Đẩy lùi tín dụng đen trong công nhân
Hoạt động hiệu quả của các quỹ trợ vốn của tổ chức Công đoàn đã góp phần giải quyết khó khăn đột xuất của người lao động, giúp họ vươn lên trong cuộc sống
Với các khoản vay vừa phải, phù hợp nhu cầu và điều kiện của công nhân (CN), đặc biệt là CN nghèo, không có tài sản thế chấp để tiếp cận các kênh tín dụng chính thức, nhiều năm qua, các quỹ trợ vốn của một số LĐLĐ tỉnh, TP đã góp phần tích cực vào việc hỗ trợ khó khăn, giải quyết việc làm và nhất là giúp cho hàng triệu lượt CN tránh được việc phải vay nặng lãi.
Sát cánh cùng người nghèo
Bà Vũ Thị Loan, Phó Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua - Khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết hằng năm, các nguồn quỹ trợ vốn cho người lao động (NLĐ) nghèo tự tạo việc làm ở 11 LĐLĐ tỉnh, thành như: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên... đã hỗ trợ vốn cho trên 371.000 lượt người, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trong CN. Trong đó, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (trực thuộc LĐLĐ TP HCM) đứng đầu với trên 350.000 lượt người vay/năm và là mô hình hoạt động hiệu quả và thành công nhất.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cho biết CEP là tổ chức xã hội phi lợi nhuận được LĐLĐ TP HCM thành lập từ năm 1991. Suốt quá trình phát triển, CEP luôn kiên trì mục tiêu đồng hành cùng người nghèo với nhiều gói dịch vụ như cho vay vốn, gửi tiết kiệm. Song song đó là nhiều chương trình hướng về thành viên và cộng đồng như Mái nhà CEP, Học bổng CEP, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ khẩn cấp. Qua 28 năm hoạt động, CEP đã đưa đồng vốn đến tận tay hơn 4,11 triệu lượt hộ CN nghèo vay vốn với số tiền trên 48.400 tỉ đồng. Từ 100 tỉ đồng được cấp vốn ban đầu, đến nay, vốn chủ sở hữu của CEP lên đến 1.100 tỉ đồng. Hiện, CEP có 34 chi nhánh tại 9 tỉnh, TP và đang hợp tác với 4.858 Công đoàn (CĐ) cơ sở để đưa các dịch vụ đến tay NLĐ. "CEP hoạt động hiệu quả trước hết vì phù hợp với điều kiện của CN nghèo và có hệ thống chân rết đến tận cơ sở. Bên cạnh đó, CEP phát triển dịch vụ gửi tiết kiệm với những khoản gửi nhỏ và rất nhỏ từ thành viên của mình, đôi khi chỉ là 5.000 đồng hay 10.000 đồng. Sự tiện lợi đó cùng với các hoạt động hỗ trợ đã giúp CEP tạo dựng uy tín" - ông Đạt nhìn nhận.
Tương tự, Quỹ Trợ vốn cho NLĐ nghèo thuộc LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là CAFPE) ra đời năm 1993 với mục tiêu "cấp vốn làm ăn" để vực dậy, nâng đỡ người nghèo, giúp họ thoát khỏi cuộc sống bấp bênh. Bà Trần Thị Thanh Hải, Giám đốc CAFPE, cho biết thời điểm đó, số lượng CN thất nghiệp cùng với số CB-CNV bị tinh giảm biên chế hoặc có việc làm nhưng thu nhập quá thấp tại tỉnh gia tăng, họ cần vốn làm ăn nhưng không có tài sản thế chấp đành đi vay nặng lãi khiến cuộc sống càng thêm túng quẫn. "Với phương thức kết hợp tín dụng với tiết kiệm bắt buộc và trả góp hằng tuần, hằng tháng, quỹ hoạt động khá hiệu quả, đã tiếp sức hơn 235.000 lượt hộ nghèo với tổng vốn vay 1.179 tỉ đồng. Từ 230 triệu đồng vốn ban đầu, nay quỹ đã phát triển nguồn vốn lên hơn 86 tỉ đồng" - bà Hải nói.
Nỗi lo khát vốn
Dù là mô hình hoạt động hiệu quả, song các quỹ trợ vốn thuộc tổ chức CĐ còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn chung của 11 quỹ đang hoạt động là nguồn vốn hạn hẹp trong khi nhu cầu vay của NLĐ lại rất lớn, do đó, quỹ chỉ có thể cho vay các khoản vay nhỏ hoặc vừa phải. Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình tài chính vi mô còn hạn chế, việc triển khai nhân rộng chủ yếu ở các tỉnh, TP lớn, có tiềm lực về tài chính và các nguồn hỗ trợ. Những khó khăn trên khiến hoạt động tài chính vi mô của tổ chức CĐ chỉ tạo hiệu ứng trong phạm vi nhỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Quỹ Trợ vốn CN lao động nghèo thủ đô, cho rằng đa số quỹ chưa có sự tách bạch về chính sách cho vay giữa đối tượng khách hàng là CN và lao động tự do, cụ thể là chưa tập trung nhiều vào CN trực tiếp sản xuất, trong khi đây là đối tượng chăm lo của tổ chức CĐ. "Từ năm 2017, các quỹ buộc phải chuyển sang mô hình tài chính vi mô theo Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ, song mỗi địa phương lại áp dụng khác nhau. Điển hình là có địa phương quy định thời hạn hoạt động của quỹ ngắn, dưới 10 năm trở xuống, gây tâm lý không ổn định" - ông Cường nhận định.
Ông Đào Trọng Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hải Phòng, nhận xét cơ chế tài chính ở một số quỹ còn chưa thống nhất, mỗi địa phương vận dụng khác nhau. "Tổng LĐLĐ Việt Nam cần ban hành quy chế hoạt động thống nhất cũng như tìm các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho các đơn vị hoạt động theo chương trình tài chính vi mô thuộc tổ chức CĐ. Nếu làm tốt việc này, tổ chức CĐ sẽ gắn kết được đoàn viên và thu hút được lực lượng tham gia" - ông Trung đề xuất.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Cần nhân rộng mô hình
Hoạt động tài chính vi mô của CĐ rất quan trọng, giúp đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn kịp thời để giải quyết những nhu cầu bức bách trong cuộc sống, tạo thêm được việc làm, đồng thời gắn kết CĐ với CN. Đối với các LĐLĐ tỉnh, TP đã có quỹ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tổ chức và hoạt động của quỹ, đồng thời rà soát các nguồn lực tài chính ở địa phương để tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn vay cho quỹ, bảo đảm quỹ phát triển, bảo toàn vốn.
Các LĐLĐ tỉnh, thành chưa có quỹ cần nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu vay vốn từ quỹ của NLĐ trên địa bàn, căn cứ nguồn tài chính CĐ tích lũy, khả năng thu hút các nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương, xây dựng chủ trương thành lập quỹ theo quy định của pháp luật hoặc nghiên cứu cơ chế phối hợp với các quỹ trợ vốn trong cùng hệ thống để tham gia, tổ chức trợ vốn cho NLĐ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/day-lui-tin-dung-den-trong-cong-nhan-2019111020213297.htm