Đẩy lùi tín dụng đen và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn
Vốn vay giải quyết việc làm là một trong những nguồn vốn tín dụng chính sách đang được Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) triển khai trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn này của NHCSXH Thanh Hóa, hàng nghìn lao động được tạo việc làm ngay tại gia đình, tăng thu nhập, góp phần giúp địa phương nâng cao tiêu chí về thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Gia đình anh Đỗ Văn Ngự ở thôn Tân Sơn, xã Hà Tân (Hà Trung) được vay vốn chương trình giải quyết việc làm, đầu tư mở rộng sản xuất hiệu quả.
Từ vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Hà Trung, xưởng cơ khí của anh Đỗ Văn Ngự ở thôn Tân Sơn, xã Hà Tân cũng vượt qua “bão giá” vật tư nguyên liệu đầu vào, từng bước ổn định sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương. Anh Ngự chia sẻ: “Giữa năm 2022, mọi chi phí từ nguyên liệu phôi khung thép nhôm định hình đến chi phí nhân công đều tăng từ 10 - 15% khiến xưởng sản xuất của gia đình tôi phải hoạt động cầm chừng do thiếu vốn. Được hội nông dân xã tạo điều kiện, gia đình tôi đã vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện. Có vốn, gia đình tôi đã đầu tư mua thêm các loại máy cắt, mài nhỏ, thuê thêm lao động, mạnh dạn nhận thêm các đơn hàng thi công công trình mới. Hiện tại, xưởng cơ khí của gia đình tôi có 5 lao động với thu nhập bình quân mỗi người từ 9 - 10 triệu đồng/tháng".
Tính đến hết tháng 3-2023, dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH Thanh Hóa đạt hơn 950 tỷ đồng với hơn 10.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tín dụng CSXH được triển khai gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển chuỗi liên kết... đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã giúp hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ khó khăn tại khu vực đô thị thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho các gia đình để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ngoài nguồn vốn từ Trung ương phân bổ hàng năm, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH Thanh Hóa cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh giải ngân vốn vay giải quyết việc làm đến với người dân. Đến hết tháng 3-2023, NHCSXH Thanh Hóa đã giải ngân được gần 220 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.943 lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP góp phần mạnh mẽ vào tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Xuất phát từ thực tế cho vay và nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm ở địa phương còn rất lớn, hiện tại, NHCSXH Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn giải quyết việc làm, giúp các gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn trong việc duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Để phát huy hiệu quả trong tham gia giải quyết việc làm tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người lao động, ngân hàng kiến nghị cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa để cân đối nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang cho ngân hàng để cho vay giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất. Cùng với đó, chi nhánh sẽ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vốn vay của các cấp, các ngành đối với những trường hợp đã được giải ngân các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả kịp thời nợ vay (gốc và lãi) đúng thời hạn quy định, không để phát sinh nợ quá hạn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn được triển khai kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn và phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi tín dụng đen và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn.