Đẩy mạnh bảo vệ bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số
Sáng ngày 17/4, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả chủ trì phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức chương trình Tọa đàm 'Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số'.
Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số
Chương trình tọa đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Tọa đàm được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất: phần thuyết trình: Trình bày các vấn đề liên quan đến chính sách bản quyền, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa và các công cụ hỗ trợ thúc đẩy bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số.
Phần thứ hai: Tọa đàm, trao đổi cùng các chuyên gia các vấn đề về bảo vệ bản quyền trên môi trường số với các chuyên gia trong các lĩnh vực: quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa; chính sách thuế; thông tin và truyền thông và lĩnh vực sáng tạo nội dung số.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong những ngày này, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới đã được tổ chức ở nhiều nơi trên toàn quốc, dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có Tọa đàm do Cục Bản quyền tác giả tổ chức ngày hôm nay. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà sáng tạo, các tổ chức và cá nhân đầu tư sáng tạo và những tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng cùng hợp tác và trao đổi về vai trò của bảo vệ bản quyền trong phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.
Theo Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, hiện này các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật, công nghệ và cách thức tiếp cận công chúng; khía cạnh thương mại của các ngành công nghiệp văn hóa cũng được chú trọng đầu tư, phát triển. Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
"Sự kiện ngày hôm nay là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, góp phần quảng bá các hoạt động sáng tạo và thực thi bảo hộ bản quyền tại Việt Nam. Đây là điều kiện cần và đảm bảo để Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030", Cục trưởng Trần Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, buổi tọa đàm “Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số” cũng là dịp để giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số. Để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022.
Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã có nhiều quy định mới về các nội dung liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Xuyên suốt buổi tọa đàm, các chuyên gia, khách mời cùng trình bày quan điểm, ý kiến về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa; lĩnh vực chính sách về văn hóa; lĩnh vực thông tin và truyền thông; lĩnh vực sáng tạo nội dung số... để cùng đưa ra biện pháp khắc phục, bảo vệ bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số.
Song song với tọa đàm là hoạt động triển lãm, trưng bày các tác phẩm sáng tạo của các doanh nghiệp sáng tạo nội dung số diễn ra cùng ngày 17/4 tại Khách sạn La Thành, Hà Nội.
Theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp là 7,02% GDP, Australia là 6,8% GDP, Singapore là 6,19%GDP, Canada là 6,15% GDP; các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% GDP và Thái Lan là 4.48% GDP, Indonesia là 4,11% GDP. Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).