Đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong nhiều năm qua, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) tập trung các chương trình, nguồn vốn, mô hình cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế-xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường của người dân.

Nhiều chính sách khơi dậy

Huyện Bắc Bình có 23 dân tộc, với hơn 34.000 người, chiếm hơn 36%, sinh sống chủ yếu tại 4 xã miền núi, 5 xã đồng bằng.

Ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình cho biết, huyện đã ban hành các quyết định phân khai vốn thực hiện nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sát với điều kiện thực tế trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển kinh tế, đẩy mạnh các chính sách để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nhân giống cây trồng, thủy sản áp dụng phù hợp điều kiện đất đai và khí hậu từng vùng.

Huyện Bắc Bình kiểm tra các công trình thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Bắc Bình kiểm tra các công trình thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn năm 2021-2025, huyện triển khai các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt từ vốn Trung ương hơn 6.444 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 4.738 triệu đồng, vốn sự nghiệp hơn 1.705 triệu đồng.

Điển hình, dự án hỗ trợ thực hiện chi hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 71 hộ nghèo với kinh phí 710 triệu đồng gồm xã Phan Lâm có 15 hộ; xã Phan Tiến 10 hộ; xã Phan Sơn 20 hộ; xã Phan Điền 10 hộ; xã Phan Hiệp 11 hộ; xã Phan Thanh 2 hộ; xã Sông Bình 2 hộ; xã Hải Ninh 1 hộ.

Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền đồng bào dân tộc thiểu số để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thôn Tiến Thành, xã Phan Tiến.

Bảo đảm nguồn nước cung cấp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo đảm nguồn nước cung cấp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, huyện đầu tư 6 công trình nước sinh hoạt: mở rộng hệ thống nước Dốc Đá Phan Lâm; mở rộng tuyến ống nước cấp nước Thôn Tân Điền, xã Phan Điền; mở rộng hệ thống nước sinh hoạt thôn Hòa Bình, xã Sông Lũy; mở rộng hệ thống nước sinh hoạt thôn Tú Sơn, xã Sông Lũy; nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt xã Phan Thanh; mở rộng tuyến ống nước sinh hoạt tại khu tái định cư mới xã Phan Lâm.

Ngoài ra, huyện đang thi công đường từ Bình Tân đến Phan Tiến, với khối lượng đạt khoảng 60%, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các bộ khuyến nông kiểm tra đàn gà của đồng bào dân tộc nuôi.

Các bộ khuyến nông kiểm tra đàn gà của đồng bào dân tộc nuôi.

Trong lĩnh vực giáo dục, huyện nâng cấp, sữa chữa Trường Phổ thông dân tộc nội trú; mở 3 lớp đào tạo nghề cho 67 người dân tộc tại xã Phan Hiệp, xã Phan Sơn, xã Phan Điền.

Đối với văn hóa, huyện đang bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch gồm đầu tư sửa chữa 12 thiết chế văn hóa thể thao tại các xã, hỗ trợ 1 tủ sách cộng đồng, hỗ trợ 5 đội văn nghệ, xây dựng 1 câu lạc bộ văn hóa dân gian, hỗ trợ trang thiết bị văn hóa 2 thôn.

Không những thế, huyện còn quan tâm chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em với các hoạt động xây dựng và phát triển y tế cơ sở; nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em.

Dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số với 11 lớp tuyên truyền cho 386 người tham dự, cung cấp 416 tờ rơi; pa-nô; áp-phích; thực hiện 47 cuộc tư vấn nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, huyện biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến; giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào; ứng dụng công nghệ thông tin.

Mở rộng mô hình hiệu quả

Để sản xuất nông nghiệp ổn định, Ủy ban nhân dân huyện sử dụng các công trình thủy lợi như hồ chứa nước Sông Lũy, hồ chứa nước Cà Giây, hệ thống kênh tiếp nước từ thủy điện Đại Ninh… đưa xuống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Diện tích sản xuất lúa tiếp tục mở rộng với các khu vực chuyên canh như Đồng Mới hơn 1.000ha gồm các xã: Phan Thanh, Phan Hiệp và Chà Vầu-Nha Mưng-Tà Bo; hơn 2.000ha gồm các xã: Hải Ninh, Phan Điền, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Rí Thành. Diện tích cây ăn quả phong phú hơn với nhiều loại cây bưởi, xoài, cam, mít với hơn 3.900ha.

Bên cạnh đó, huyện có chương trình khuyến mô hình trồng trọt lúa mới ST24 chất lượng cao tại xã Bình An, trồng ớt chỉ thiên phủ nilon tại xã Sông Bình, xã Phan Hòa có mô hình trồng mít Thái theo hướng thực hành nông nghiệp tốt và giống lúa nếp liên kết chuỗi.

Các mô hình chăn nuôi như: nuôi heo cỏ theo hướng an toàn dịch bệnh tại xã Phan Lâm, nuôi lươn thương phẩm tại xã Sông Bình, nuôi gà lai nòi an toàn sinh học tại các xã Phan Tiến và Phan Sơn, Phan Điền.

Mô hình trình diễn nuôi gà lai nòi theo hướng an toàn sinh học.

Mô hình trình diễn nuôi gà lai nòi theo hướng an toàn sinh học.

Nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình cho hay, Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện dự án.

Trong những tháng cuối năm, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở và người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, huyện tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng trong việc áp dụng kiến thức mới, kỹ thuật mới trong phát triển sản xuất phù hợp với địa phương; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, sử dụng tốt công cụ giám sát của cộng đồng trong việc giám sát, đánh giá.

THANH HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-cac-mo-hinh-nong-nghiep-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post826815.html