Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển

Thời gian qua, Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; góp phần vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Biên phòng trong tình hình mới. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đặng Cao Đạt, Chỉ huy trưởng BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề này.

Cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện quét mã vạch làm thủ tục cho khách hàng nhanh chóng. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện quét mã vạch làm thủ tục cho khách hàng nhanh chóng. Ảnh: Lê Khoa

- BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những đơn vị đi đầu về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của đơn vị về công tác này?

- BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiệm vụ quản lý, đảm bảo an ninh trật tự cho 61 bến cảng thuộc 2 cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, 10 bến cảng xuất dầu không bến ngoài khơi, 83 vị trí neo và thực hiện công tác thủ tục cho các phương tiện ra vào, hoạt động tại các khu vực bến phao ITC, BP1, BP2, BP3. Là địa phương có nhiều cảng biển với số lượng tàu thuyền, người, hàng hóa xuất nhập qua cảng lớn, việc quản lý đảm bảo sự chặt chẽ mà vẫn thuận tiện trong bối cảnh tinh gọn bộ máy là yêu cầu đặt ra cho đơn vị nhanh chóng nắm bắt xu thế hội nhập, đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, nhất là triển khai thực hiện Biên phòng điện tử cảng biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Biên phòng trong tình hình mới.

Trong đó, nổi bật là đơn vị đã chủ động trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai công tác thủ tục cho tàu thuyền nước ngoài đến cảng đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, bảo vệ an toàn cho các tàu, thuyền viên, hành khách nước ngoài đúng thông lệ quốc tế, pháp luật Việt Nam, đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý chặt chẽ người và phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ tốt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, mở rộng giao lưu hợp tác với các nước trên thế giới.

Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị được công khai đầy đủ tại cổng dịch vụ công quốc gia, công bố đầy đủ địa chỉ email, các số điện thoại, đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính đã góp phần giảm khó khăn cho các tổ chức và cá nhân đến liên hệ làm việc. Giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp đã được rút ngắn về thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền nhập xuất cảnh, chuyển cảng; thuyền viên đi bờ, người điều khiển phương tiện cập mạn, người lên xuống tàu làm việc; giảm thiểu hồ sơ giấy doanh nghiệp phải nộp, tiết kiệm chi phí đi lại, kết quả thủ tục, thông tin tàu thuyền được truyền nhận nhanh chóng...

Công tác kiểm soát thuyền viên đi bờ, người lên xuống tàu, lưu trữ hồ sơ trên giấy dần được kiểm soát thay thế bằng máy móc. Việc lưu trữ thông tin trên cổng thông tin thuận tiện cho công tác thống kê, tra cứu, báo cáo; giảm lượng sổ sách giấy tờ phải in ấn... Công tác xác minh tàu thuyền, đối tượng quản lý nghiệp vụ qua việc ứng dụng công nghệ, phần mềm quản lý xuất nhập cảnh kết hợp các biện pháp nghiệp vụ cho kết quả nhanh chóng, chính xác, kịp thời xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Đăng ký phương tiện thủy nội địa đến, đi cửa khẩu cảng trên cổng thông tin Biên phòng điện tử tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu trữ hồ sơ, nhanh gọn, khoa học trong công tác rà soát thông tin phương tiện; quy trình làm việc đăng ký đến đi khoa học, đảm bảo được yếu tố nghiệp vụ so với đăng ký thủ công bằng sổ sách; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội công nghệ số.

- Đồng chí có thể đánh giá về lợi ích thiết thực của cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay?

- Việc cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số đã góp phần đơn giản hóa TTHC tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục, cắt giảm được nhiều loại giấy tờ, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết các TTHC liên quan đến người và tàu thuyền. Từ đó, rút ngắn thời gian tàu thuyền chờ đợi, tàu cập cảng có thể bốc dỡ hàng hóa được ngay, thuyền viên và hành khách được đi bờ ngay để tham quan, du lịch; tiết kiệm chi phí neo đậu, bến bãi, tàu làm hàng xong rồi rời cảng nhanh giúp các doanh nghiệp cảng khai thác tối đa công suất của cầu cảng..., thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và hội nhập quốc tế của đất nước.

Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm TTHC, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giúp chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành hiệu quả. Việc cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong BĐBP đã góp phần thực hiện đúng các chủ trương cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thông qua hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp thu khoa học, công nghệ mới và cách quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Quá trình triển khai công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?

- Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, thì hiện nay đơn vị cũng gặp một số khó khăn nhất định làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ. Đó là, hệ thống đường truyền mạng trên Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử kết nối cơ chế một cửa quốc gia chưa ổn định, đường truyền chậm, hay bị lỗi; thường xuyên xảy ra lỗi không duyệt được hồ sơ cho tàu xuất nhập cảnh, chuyển cảng. Nhiều bến cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng lọc hóa dầu Long Sơn, các phao BP1, BP2, BP3, đại lý tàu khai trên mạng một cửa quốc gia không được cập nhật trên cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển. Trường hợp đại lý xin hủy hồ sơ trên cổng thông tin điện tử, các cơ quan khác chấp nhận nhưng không hiện trạng thái đã hủy hồ sơ trên cổng điện tử của Biên phòng.

Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ, thống nhất; một số bến cảng sử dụng mạng Internet có tốc độ đường truyền kết nối chậm, không ổn định hoặc không có kết nối Internet dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát bằng máy đọc mã vạch. Một số người dân và doanh nghiệp chưa quen với việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Để khắc phục những khó khăn nói trên, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong thực hiện thủ tục biên phòng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới số hóa, tự động hóa trong thực hiện thủ tục, kiểm tra, kiểm soát biên phòng trên địa bàn bàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp nâng cao kiến thức về thủ tục điện tử; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp

- Trong thời gian tới, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra mục tiêu như thế nào trong cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, thưa đồng chí?

- Trong thời gian tới, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, cấp thị thực và các loại giấy phép bảo đảm giữ vững an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng biển, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp trong kinh doanh, sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu.

Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục tổ chức các đợt học tập, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh. Trong đó, mục tiêu đặt ra là 100% cán bộ, chiến sĩ sử dụng thành thạo các trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại trong công tác thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng hướng tới số hóa, tự động hóa các quy trình công tác, nhằm theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Khoa (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-va-phat-trien-post477373.html