Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài các giải pháp hỗ trợ đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

TTHC đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Việc cải cách TTHC nhằm đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Thuận lợi trong thực hiện TTHC

Trước đây, mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trung bình, các doanh nghiệp phải khai báo 5 loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải đi lại nhiều nơi. Từ khi áp dụng nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin một lần và các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, hơn 134.200 phương tiện đã được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số.

Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến

Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến

Anh Trần Sinh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH TST Lạng Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Hiện nay, thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa được thực hiện trên nền tảng Cửa khẩu số, các bước quy trình thực hiện rất nhanh gọn, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đi lại làm thủ tục.

Còn chị Kiềng Thị Lan Anh, kế toán Công ty TNHH Bảo Long, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cũng tỏ ra hài lòng khi đến thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Chị cho biết: Tôi đại diện cho công ty đến để đăng ký địa điểm kinh doanh tại quầy giao dịch của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tôi rất hài lòng với thái độ nhiệt tình chu đáo của nhân viên hành chính công, thủ tục được thực hiện nhanh chóng thuận tiện. Hiện nay, việc nộp hồ sơ qua dịch vụ hành chính công rất thuận tiện, đỡ mất thời gian của các đơn vị đến nộp phải chờ đợi.

Không riêng anh Tùng và chị Lan Anh, theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 90% doanh nghiệp khi đến giao dịch tại bộ phận "một cửa" các cấp đều tỏ ra hài lòng và phản hồi rất tốt đối với các TTHC liên quan tới hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hiện nay, trong số hơn 1.000 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước có rất nhiều TTHC liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đơn cử như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thành lập và hoạt động của doanh nghiệp...

Tập trung triển khai các giải pháp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 4.700 doanh nghiệp; trong đó, có hơn 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Với tổng vốn đăng ký khoảng 55.550 tỷ đồng. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá TTHC, đề xuất cắt giảm, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đơn cử, năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 54 TTHC với tổng thời gian cắt giảm 561,5/1.659,5 ngày, đạt tỷ lệ cắt giảm 33,8%, vượt 3,8% so với kế hoạch của tỉnh. Các TTHC được cắt giảm thời gian chủ yếu là các thủ tục có tần suất thực hiện giao dịch nhiều. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Đặc biệt, từ năm 2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động đã phát huy vai trò đầu mối tập trung tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của các sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, tạo bước đột phá trong công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính. Theo đó, để giúp các doanh nghiệp thuận tiện, không phải đi lại nhiều lần khi thực hiện TTHC, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành phương án từng bước tổ chức thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC tại trung tâm (4 tại chỗ); đề nghị các sở, ngành rà soát, lựa chọn các TTHC phù hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đưa ra giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ” tại trung tâm. Đồng thời, trung tâm cũng triển khai mạnh mẽ các phần mềm hỗ trợ công việc, công tác chuyên môn nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC như: hệ thống lấy số tự động, thanh toán thu phí, lệ phí thực hiện TTHC, đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ, công chức…

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND huyện Văn Quan hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND huyện Văn Quan hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính

Đặc biệt, trung tâm đã đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử tỉnh; chỉ đạo đội ngũ công chức “một cửa” khuyến khích, vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ TTHC trực tuyến.

Ông Vi Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: Việc thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC. Các doanh nghiệp đã không còn tình trạng phải đi từng cấp, từng ngành để làm các thủ tục giấy tờ nữa mà tập trung một chỗ giúp doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh sẽ đẩy mạnh việc rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định pháp luật để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, nhất là các lĩnh vực trọng tâm như: sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch và thuế...; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình TTHC; tăng cường giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC được giao.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Huyện Văn Lãng hiện có 126 doanh nghiệp, 43 hợp tác xã và trên 1.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; sản xuất, khai thác, xây dựng và nông lâm nghiệp… Để đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đến liên hệ làm việc, những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã qua đó nắm được những khó khăn vướng mắc về các TTHC, đặc biệt là thủ tục đất đai, chính sách thuế, từ đó hỗ trợ tháo gỡ. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tổ chức gặp mặt doanh nghiệp vào dịp đầu năm để lắng nghe những ý kiến kiến nghị, kịp thời nắm bắt được những vướng mắc trong TTHC của doanh nghiệp, hợp tác xã; tăng cường rà soát, lựa chọn, đề xuất cắt giảm thời hạn giải quyết đối với các TTHC phù hợp.

Với những nỗ lực của chính quyền cùng với sự đồng hành, hỗ trợ và góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, công tác cải cách TTHC, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh sẽ ngày một tốt hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Hoàng Hiếu

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-5017580.html