Đẩy mạnh cải cách thuế, hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp (DN). Do đó, những cải cách, hiện đại hóa của ngành thuế, hải quan sẽ là động lực quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN, giúp DN có sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả hơn.

Nhiều kết quả tích cực trong cải cách thuế, hải quan

Thông tin về những cải cách của ngành thuế hướng đến hỗ trợ người dân, DN, ông Vũ Lê Huy - Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngành thuế là một trong các cơ quan nhà nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế, với dịch vụ thuế điện tử đầu tiên (khai thuế điện tử) được triển khai từ năm 2009.

Việc triển khai dịch vụ thuế điện tử đã giúp DN, người dân tiết kiệm chi phí, thời gian trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, góp phần minh bạch trong công tác quản lý thuế. Đến nay, sau hơn 15 năm triển khai, đã có hơn 100 triệu hồ sơ khai thuế điện tử, hơn 50 triệu giao dịch nộp thuế điện tử của DN đã được gửi đến cơ quan thuế.

Tính từ khi triển khai đến hết ngày 17/9/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý là 10,1 tỷ hóa đơn, trong đó hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là 2,5 tỷ; hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là 6,7 tỷ; hóa đơn từng lần phát sinh và hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền là 0,9 tỷ.

Cổng thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài có 106 tổ chức nước ngoài đã nộp và thu được 6.234 tỷ đồng tiền thuế. Trong nửa đầu năm 2024, cơ quan thuế cũng đã thu được hơn 70 nghìn tỷ đồng tiền thuế trên sàn thương mại điện tử; đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID vào hệ thống thuế điện tử eTax Mobile...

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện nay, tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,95%; tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,2%; tỷ lệ DN thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 99% và 100% DN, tổ chức đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Trong lĩnh vực hải quan, ông Đặng Thanh Dũng - Phó Trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết với kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng tăng trưởng, cùng với việc Việt Nam hợp tác thương mại với nhiều quốc gia hơn và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, công tác cải cách hiện đại hóa của ngành hải quan càng đóng vai trò quan trọng, đảm bảo không có sai sót, để hoạt động xuất, nhập khẩu thông suốt, liên tục.

Cũng theo ông Dũng, 10 năm trở lại đây, cơ quan hải quan đã đẩy mạnh công tác phát triển đối tác của ngành hải quan. Cụ thể, ngành hải quan sử dụng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau để kết nối với DN trong việc hướng dẫn, giải đáp thông tin, vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Công tác tham vấn cũng được chú trọng thực hiện, theo đó, các dự thảo văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung đã được tổ chức tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng DN qua nhiều lượt, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, chương trình thí điểm khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực khi các thành viên liên tục được nâng hạng tuân thủ pháp luật sau quá trình được hải quan các địa phương hỗ trợ…

Cải cách thủ tục hải quan sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của DN. Ảnh minh họa: S.T

Cải cách thủ tục hải quan sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của DN. Ảnh minh họa: S.T

Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách

Những nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong công cuộc cải cách thời gian qua đã nhận được sự ghi nhận của cộng đồng DN.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Cải cách thuế - hải quan vì sự phát triển bền vững của DN” mới diễn ra, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, việc ngành thuế, ngành hải quan cải cách, đẩy mạnh chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích cho DN. Nổi bật là, giảm thủ tục, giảm thời gian làm thủ tục cho DN, từ đó giảm chi phí trong quá trình thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, DN có thể thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. Công nghệ thông tin và số hóa cũng góp phần làm giảm thiểu sai sót; đồng thời, tăng khả năng nắm bắt thông tin, giúp DN hiểu được nghĩa vụ của mình…

Mặc dù vậy, theo ông Nam, cộng đồng DN vẫn kỳ vọng công tác cải cách, hiện đại hóa ngành thuế, hải quan tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm tạo tiền đề cho DN ngày càng phát triển bền vững cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Bởi lẽ, trên thực tế ghi nhận, hiện nay DN khá hài lòng với với thủ tục thông quan luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây. Tuy nhiên, hệ thống vận hành VNACCS/VCIS Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam từ năm 2014 chưa thể lường trước được sự bùng nổ của thương mại điện tử với lô hàng nhỏ rất nhiều, tạo ra một khối lượng giao dịch rất lớn, làm cho hệ thống này có thể quá tải.

Về lĩnh vực thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử cũng tốt hơn. Tuy nhiên, như số liệu của Tổng cục Thuế, 1 năm hệ thống hóa đơn điện tử tiếp nhận và xử lý khoảng 10 tỷ hóa đơn hoặc nhiều hơn, cho thấy khối lượng hóa đơn rất lớn, chưa kể thương mại điện tử cũng tác động đến lĩnh vực thuế…

Trước thực tế trên, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Mai Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin với phương châm lấy người nộp thuế là trung tâm để thiết kế các ứng dụng, đảm bảo tăng cường tính linh hoạt, tích hợp của hệ thống và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược dài hạn của ngành thuế.

Cùng với đó là nâng cao tính phục vụ người nộp thuế, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thuế điện tử, đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro xác định gian lận hóa đơn, ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn bất hợp pháp..., nhằm góp phần minh bạch hóa và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng DN và người nộp thuế.

Đối với ngành hải quan, ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, tích cực thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động và chất lượng cung cấp dịch vụ công của cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN và các bên liên quan sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu.../.

TUẤN MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/day-manh-cai-cach-thue-hai-quan-vi-su-phat-trien-ben-vung-cua-doanh-nghiep-35661.html