Đẩy mạnh cải cách tư pháp trong hoạt động của tòa án
Nhiều giải pháp cải cách tư pháp (CCTP) đã được Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Long An thực hiện nhằm hỗ trợ hoạt động xét xử, giải quyết các yêu cầu của người dân trước, sau các phiên tòa và các hoạt động quản lý, điều hành của TAND 2 cấp.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách tư pháp
Theo TAND tỉnh, một trong những yêu cầu mà Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 xác định rõ nhiệm vụ của CCTP là bảo đảm để tòa án là trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Với vai trò là trung tâm của hệ thống tư pháp, TAND 2 cấp tỉnh Long An thời gian qua có nhiều giải pháp đột phá để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như thực hiện chiến lược CCTP.
Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm TAND 2 cấp tỉnh Long An phải thụ lý giải quyết trên 12.000 vụ án các loại. Riêng năm 2019, toàn tỉnh thụ lý 15.663 vụ án các loại, đã giải quyết 12.582 vụ, tăng 432 vụ, giải quyết tăng 245 vụ. Bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 8,3 vụ án/tháng, cao hơn quy định là 4,3 vụ/tháng. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, các tòa án còn đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính tư pháp nhằm hướng đến sự công khai, minh bạch các hoạt động của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc liên quan đến tòa án, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công việc để phục vụ công tác giải quyết án. Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng cho rằng, trong nhiệm vụ CCTP tại tòa, việc công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án được thể hiện trong các hoạt động như tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sao lục bản án, quyết định, công khai bản án, quyết định lên Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao, nhận đơn khởi kiện và thông báo một số văn bản qua Cổng thông tin điện tử TAND tỉnh Long An,… Trong đó, việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn được TAND 2 cấp niêm yết công khai tại trụ sở các mẫu đơn, trình tự thủ tục tố tụng, lịch tiếp công dân của lãnh đạo đơn vị, bảng thông tin trợ giúp pháp lý, phân công thẩm phán nhận đơn khởi kiện, quy trình xem xét đơn khởi kiện, thụ lý vụ án cũng như việc bố trí phòng tiếp công dân, niêm yết lịch và nội quy tiếp công dân tại trụ sở, hộp thư góp ý. Riêng lãnh đạo tòa án phải tiếp cố định 3 ngày trong tuần, hàng ngày bố trí cán bộ tiếp công dân thường xuyên. Đối với việc cấp, sao lục bản án, quyết định, TAND tỉnh đã phân bổ biên chế lưu trữ và cơ bản hoàn thành được cơ sở dữ liệu lưu trữ nên việc cấp bản sao, trích lục cho đương sự thuận lợi, nhanh chóng. Hiện TAND tỉnh cũng triển khai đến các TAND cấp huyện thực hiện phần mềm số hóa tài liệu lưu trữ theo đúng kế hoạch của TAND Tối cao.
Một trong những điểm mới trong CCTP tại TAND 2 cấp tỉnh Long An thực hiện năm qua là việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử của TAND Tối cao đến đông đảo người xem, trừ trường hợp các bản án, quyết định được tòa án xét xử kín hoặc thuộc danh mục bí mật của Nhà nước chưa công bố, hoặc có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, hoặc có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư, hoặc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Trong đó, TAND 2 cấp tỉnh Long An đăng tải được 4.001 bản án, quyết định các loại. Ngoài ra, TAND 2 cấp và Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp phối hợp tổ chức được 156 phiên tòa rút kinh nghiệm. Sau mỗi phiên tòa, các thẩm phán và kiểm sát viên cùng lãnh đạo của 2 đơn vị đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, trao đổi những ưu, khuyết điểm trong mỗi vụ án nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ điều khiển phiên tòa của thẩm phán và kỹ năng tranh luận, đối đáp của kiểm sát viên qua từng phiên tòa.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Theo TAND tỉnh, trước đây, đơn khởi kiện, hồ sơ vụ việc thuộc tòa chuyên trách xử lý. Tuy nhiên, quy trình cũ bộc lộ hạn chế là phân tán qua từng tòa nên việc quản lý số liệu, báo cáo và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ không được tập trung, quan hệ công việc giữa người dân và cơ quan tòa án phải qua khâu trung gian dẫn đến kéo dài thời gian xử lý. Chính vì vậy, từ cuối năm 2012, TAND tỉnh thành lập Tổ Hành chính tư pháp với nhiệm vụ chính là ghi chép các loại sổ sách nghiệp vụ, báo cáo, thống kê, nhận và xử lý các loại văn bản đến, phát hành văn bản đi, nhận và xử lý đơn khởi kiện, khiếu nại, tố cáo,… Việc thành lập Tổ Hành chính tư pháp giúp việc xử lý công việc tại tòa án được nhanh chóng, tập trung và chính xác hơn. Đây cũng là mô hình được nhiều tòa án cấp huyện áp dụng và mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời, TAND tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác giải quyết án và quản lý nghiệp vụ. Theo đó, tại tất cả tòa án trong tỉnh đều nhập cơ sở dữ liệu các loại án qua các bảng tính Excel hoặc phần mềm Access thay thế việc ghi sổ sách trên giấy. Việc quản lý qua điện tử vừa giúp cơ quan tiết kiệm, vừa thuận tiện cho việc trích xuất dữ liệu phục vụ giải quyết án, thống kê, báo cáo cũng như thực hiện việc nhập thông tin lên cơ sở dữ liệu chung do TAND Tối cao quản lý, kết nối thông tin, khai thác dữ liệu qua mạng nội bộ, gởi thông tin đến các TAND trong tỉnh và TAND Tối cao nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp người khởi kiện thực hiện quyền gửi đơn trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TAND tỉnh, bên cạnh kết quả đã đạt, vẫn còn những hạn chế nhất định như hiện nay tòa án cấp huyện chưa có biên chế làm công tác công nghệ thông tin, công tác hành chính tư pháp, việc thực hiện công việc này đều là kiêm nhiệm; cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc hiện đại còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc,... đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả thực hiện CCTP của ngành tòa án. Chính vì vậy, thời gian tới, TAND 2 cấp tỉnh Long An cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính tư pháp qua việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, tham mưu bổ sung đội ngũ công nghệ thông tin; hành chính tư pháp; hiện đại hóa trang thiết bị đáp ứng việc đưa vào sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin thể hiện sự minh bạch, công khai trong các hoạt động tố tụng của tòa án nhằm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại tòa án, giúp người dân tiết kiệm được chi phí, công sức đi lại khi có việc liên quan đến tòa án. Đây cũng là nền tảng, bước đi cụ thể để xây dựng tòa án điện tử và hướng tới xây dựng tòa án thông minh tại Việt Nam trong tương lai, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia có nền tư pháp phát triển trên thế giới.
Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng khẳng định, những năm tới, việc đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TAND 2 cấp tỉnh Long An. Trong đó, chú trọng việc hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp để bảo đảm sự tách bạch với hoạt động xét xử; xây dựng quy trình phân án ngẫu nhiên và triển khai trong toàn hệ thống. Song song đó, TAND 2 cấp tỉnh Long An cũng tập trung tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác và bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại tòa án. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, gần dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-trong-hoat-dong-cua-toa-an-a85822.html