Đẩy mạnh canh tác hữu cơ cây rau màu
Rau màu là nhu cầu thực phẩm lớn đối với thực đơn hàng ngày của mọi người. Vì thế đảm bảo nguồn thực phẩm này sạch là bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Hàng chục năm qua, nền nông nghiệp của tỉnh thiên về canh tác vô cơ làm cho sự an toàn thực phẩm đạt ở mức thấp, gây ra nhiều ngộ độc cấp tính và mạn tính đối với người sử dụng.
Để bảo vệ môi trường sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm, những năm gần đây, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh và một số dự án đã quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trong đó có trồng rau an toàn. Đến nay, đã hình thành được một số vùng trồng rau màu canh tác theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả về nhiều mặt.
Sau một thời gian dài lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học đã làm cho nền nông nghiệp của tỉnh đứng trước những thách thức không nhỏ là: ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc BVTV ở người, bùng phát sâu bệnh do hệ sinh thái bị phá hủy...
Trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, phục hồi lại hệ sinh thái sản xuất, tạo sản phẩm sạch từ việc triển khai các phương thức canh tác hữu cơ. Từ định hướng sản xuất đó, ngành đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ. Các mô hình khuyến nông hướng dẫn canh tác theo hướng hữu cơ được xây dựng thành công và nhân ra diện rộng.
Nguyên tắc của phương pháp canh tác hữu cơ là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội. Cốt lõi của phương pháp canh tác hữu cơ là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, hệ sinh thái trên đồng ruộng. Phương pháp canh tác hữu cơ này đã từng được nông dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung canh tác vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước trở về trước.
Dần dần với thế mạnh tăng trưởng năng suất ngắn hạn vượt trội và sự tiện lợi trong sử dụng đã làm cho canh tác vô cơ nhanh chóng chiếm ưu thế và gần như thay thế hoàn toàn canh tác hữu cơ. Mối quan hệ giữa chăn nuôi và trồng trọt trở nên lỏng lẻo do không có sự tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.
Nhằm dần đưa trở lại phương pháp canh tác hữu cơ, tạo thói quen tốt khi tổ chức sản xuất đối với nông dân, được sự hỗ trợ của các dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình theo hướng canh tác hữu cơ như: mô hình trồng lúa, lạc, đặc biệt là mô hình trồng rau màu không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học mang lại hiệu quả cao.
Được sự hỗ trợ của Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng mướp đắng theo phương thức canh tác tự nhiên tại các xã Hải Dương và Hải Ba, huyện Hải Lăng với quy mô 16 ha.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Hải Lăng cùng với Tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn cho người dân cách ủ phân hữu cơ theo phương pháp compost. Phòng bệnh bằng chế phẩm thảo mộc như gừng, tỏi, ớt lên men trong suốt quá trình phát triển của mướp đắng. Bón lót 1 ha mướp 7 - 10 tấn/ha phân compost và phân chuồng hoai mục, bón trên luống đã rạch sẵn hàng. Bón thúc bổ sung 5 - 7 tấn/ha phân hữu cơ compost khi mướp chuẩn bị vào giai đoạn thu trái rộ, rãi thành hàng dọc theo luống sau đó tủ đất, phủ rơm rạ trên mặt để giữ ẩm và hạn chế rửa trôi phân.
Các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc đúng kỹ thuật cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng đến khi thu hoạch. Cây mướp phát triển đồng đều, ít sâu bệnh. Kết quả, năng suất đạt 8 tạ/sào. Hiện mướp đắng bán khá được giá trên thị trường nên mỗi sào người dân trừ các khoản chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng/ sào/vụ. Một số hộ trồng xen canh với dưa leo cho lãi gần 10 triệu đồng/sào/vụ. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được tiêu thụ hết.
Canh tác hữu cơ có chi phí thấp, mặc dù năng suất trước mắt có thấp hơn canh tác vô cơ từ 10- 20%, nhưng giá bán sản phẩm cao nên canh tác hữu cơ mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với canh tác vô cơ. Điều quan trọng hơn nữa là tạo ra được phương thức canh tác bền vững, tạo sinh kế lâu dài, cải thiện thu nhập cho người dân, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong sản xuất nông nghiệp, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao tính chủ động cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Đánh giá về lợi ích và hiệu quả của canh tác hữu cơ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: Thực hiện phương pháp canh tác hữu cơ là người dân tự làm phân bón, chế phẩm BVTV từ các nguyên liệu tự nhiên có trong sản xuất nông nghiệp và ứng dụng các biện pháp lên men sinh học.
Nhờ đó, cây trồng giảm hẳn sự mẫn cảm với các loài sâu bệnh, hệ sinh thái canh tác tăng nhiều loài sinh vật có lợi, tăng chất khoáng cho đất, có tác dụng cải tạo đất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất cây trồng. Hơn nữa, canh tác hữu cơ giúp không thải các rác thải độc hại ra môi trường như chai lọ, bao thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường.
Canh tác hữu cơ có lợi cho nhiều đối tượng như cây trồng sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, ít nhiễm sâu bệnh, sản phẩm đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với người sản xuất tạo được sự an tâm, không lo sợ độc hại khi chăm sóc cây trồng và thu hái sản phẩm. Sản phẩm an toàn đối với người sử dụng, chất lượng tốt, ngon hơn. Phương thức canh tác hữu cơ thân thiện với môi trường, đất đai được cải tạo, hệ sinh thái được cân bằng...
Thời gian tới, mô hình canh tác hữu cơ sẽ được mở rộng trên nhiều loại cây rau màu nhằm tạo ra sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sản xuất bền vững.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/day-manh-canh-tac-huu-co-cay-rau-mau/181413.htm