Đẩy mạnh cấp 'căn cước' cho nông sản

PTĐT - Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi nông sản Việt Nam đi ra thế giới mà còn ở ngay thị trường trong nước, khi nông sản thế giới tiến vào Việt Nam. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh và tạo niềm tin của người tiêu dùng, minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ.

Người tiêu dùng kiểm tra thông tin sản phẩm tại quầy bán lẻ thực phẩm ở siêu thị Big C Việt Trì.

Người tiêu dùng kiểm tra thông tin sản phẩm tại quầy bán lẻ thực phẩm ở siêu thị Big C Việt Trì.

Dán tem truy xuất nguồn gốc nông sảnLà một trong những HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng việc in mã QR lên bao bì sản phẩm, giúp người tiêu dùng thuận lợi trong quá trình tìm kiếm thông tin của sản phẩm, đến nay sản phẩm rau an toàn của HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn và các cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện HTX cung cấp ra thị trường trung bình khoảng 1 tấn rau các loại/ngày. Để đưa được hàng vào các siêu thị lớn và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, chúng tôi kiên quyết áp dụng các giải pháp giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đã được doanh nghiệp, khách hàng ủng hộ. Vì vậy, đầu ra và giá thành sản phẩm luôn được giữ ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất”.Cũng như các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, các doanh nghiệp, trang trại trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay cũng đang xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua hệ thống tem kiểm dịch. Ông Bùi Xuân Trường, chủ một trang trại chăn nuôi và cung ứng gà giống, gà thịt ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông chia sẻ: “Dù là trang trại cá nhân, quy mô cũng chưa lớn nhưng khi tìm hiểu và được biết những lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tôi đã đăng ký để được cấp tem truy xuất. Nhờ đó, sản phẩm của chúng tôi không những tạo được niềm tin cho người chăn nuôi và tiêu dùng trong tỉnh mà đã được khách hàng ở nhiều tỉnh khác tìm đến đặt mua, giúp cho việc kinh doanh ngày càng phát triển ổn định”. Ông Hoàng Hữu Nhất - Giám đốc Công ty cổ phần DABACO Phú Thọ nhận định: “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi. Với giải pháp này, doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Tất cả thông tin về sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất và người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nơi sản xuất. Có thể truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm qua mã QR in trên bao bì sản phẩm bằng cách dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh.Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin về sản phẩm. Vì vậy mọi sản phẩm của công ty từ sản phẩm sơ chế đến các loại thực phẩm chín đều được sử dụng cả mã vạch và mã QR. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã vạch trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống thông tin hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa”.

Hầu hết các sản phẩm nông sản được bày bán tại siêu thị hiện nay đều được dán tem QR hoặc mã vạch thuận tiện cho khách hàng truy xuất nguồn gốc.

Hầu hết các sản phẩm nông sản được bày bán tại siêu thị hiện nay đều được dán tem QR hoặc mã vạch thuận tiện cho khách hàng truy xuất nguồn gốc.

Nhà sản xuất, người tiêu dùng chưa mặn mà

Mặc dù cần phải dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng thực tế hiện nay, nhiều nhà sản xuất và người tiêu dùng chưa mặn mà với việc này. Ông Bùi Đức Tuyển - Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc ở xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa cho biết: “Hiện nay, chúng tôi kinh doanh khá nhiều mặt hàng nông sản như rau quả, thịt gà, lợn, trứng… và cũng đã thử nghiệm việc dán tem truy xuất. Tuy nhiên, qua thực tế, tôi nhận thấy còn khó khăn khi buộc người nông dân thực hiện ghi nhật ký sản xuất, đầu tiên ghi bằng giấy, sau đó mới về nhập lại lên hệ thống. Trung bình để thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người dân phải tốn công gấp 3 - 4 lần so với việc dán tem nhận diện sản phẩm thông thường. Do đó, hiện nay chúng tôi tạm thời dừng việc dán, in tem trên sản phẩm một thời gian để tìm hiểu lại yêu cầu của khách hàng”.
Người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà với việc này. Chị Nguyễn Tú Linh, khách mua hàng tại siêu thị Co.op Mart cho biết: “Dù ưu tiên lựa chọn sản phẩm sạch nhưng tôi thường mua hàng theo cảm tính chứ không quét mã QR code, vì mỗi lần lựa chọn sản phẩm lại rút điện thoại ra quét mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm lại có quá nhiều loại tem mác, khác nhau về hình dạng, kích thước nên không thể phân biệt đâu là tem tích hợp thông tin chính xác nhất. Đúng là quét mã QR code có thể hiện một số thông tin cơ bản từ nhà sản xuất, tuy nhiên, tất cả những thông tin này đều là một chiều từ phía doanh nghiệp mà không thể hiện bất cứ sự giám sát của cơ quan hay đơn vị nào. Vì vậy, tôi thường đọc luôn thông tin đã được in trên mác sản phẩm”.“Qua thực tế bán hàng, chúng tôi nhận thấy khách hàng không mấy quan tâm đến việc quét mã QR code. Khách hàng vào siêu thị thường chỉ xem thực phẩm còn tươi hay không, hạn sử dụng còn bao lâu chứ ít khi quét mã.” - Chị Nguyễn Thị Dung, một nhân viên quầy thực phẩm ở siêu thị Vinmart + cho biết.

Việc cần thiết là xây dựng niềm tin

Rõ ràng, việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu tất yếu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện đầy đủ việc dán tem đảm bảo mọi thông tin cần thiết; người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng vào các thông tin trong tem thì vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. Ông Lê Hồng Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nhận định: Hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc hiện chưa cụ thể. Trong khi hiện nay, việc cung cấp thông tin và dán tem chủ yếu vẫn do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự làm nên trên một sản phẩm có thể có tới 2, 3 loại tem, mã khác nhau khiến người tiêu dùng không biết nên tin vào cái nào. Vì thế, cần có sự thống nhất, giao cho một đơn vị làm đầu mối, tiếp nhận thông tin và tổ chức in ấn, cấp phát cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo đúng quy định để đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm.
Các ngành liên quan cần sớm ban hành quy định, hướng dẫn việc đăng ký sử dụng mã truy xuất đảm bảo khả năng định danh đơn nhất cho đối tượng truy xuất từ các cơ sở, vùng sản xuất. Xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa cần ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc; nhu cầu truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn có truy xuất, nhằm tăng cường khả năng phân phối hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Song song với đó, cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất và người tiêu dùng. Quan trọng nhất, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho nông sản.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202008/day-manh-cap-can-cuoc-cho-nong-san-172776