Đẩy mạnh chăm sóc cây trồng vụ Xuân

Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa vụ Chiêm Xuân. Đối với trà Xuân sớm, lúa đã bước vào giai đoạn chuẩn bị đẻ nhánh, trà Xuân muộn lúa đã hồi xanh và sinh trưởng mạnh. Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc lúa và cây trồng vụ Chiêm Xuân để đạt hiệu quả cao.

Nhân viên khuyến nông và nông dân xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao kiểm tra đồng ruộng nhằm sớm phát hiện sâu bệnh để có phương án phòng trừ kịp thời.

Cấy xong từ trước Tết, giờ ruộng lúa đã lên xanh nên bà Nguyễn Thị Lan ở xã Dân Quyền, huyện Tam Nông tập trung làm cỏ, bón thúc lần một cho đám ruộng của gia đình. Bà Lan chia sẻ: Dân gian đã đúc rút kinh nghiệm “công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, để nói rằng khâu chăm sóc lúa sau khi cấy rất quan trọng. Vài năm trở lại đây, gia đình tôi đã thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học bằng sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay cho một phần phân hóa học để bảo vệ môi trường và đồng ruộng, giảm bớt chi phí do giá phân bón đang ở mức cao.

Theo kế hoạch, vụ Chiêm Xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 35,3 nghìn ha lúa, trong đó lúa lai 12,4 nghìn ha, lúa chất lượng cao 19,9 nghìn ha, đồng thời phấn đấu gieo trồng 5,2 nghìn ha ngô, 4,9 nghìn ha rau xanh các loại. Các địa phương cơ bản đã chỉ đạo nông dân sản xuất đảm bảo đúng khung lịch thời vụ theo khuyến cáo chung của ngành Nông nghiệp và chủ động được nguồn nước, giống lúa cũng như vật tư, phân bón, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Ngay sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để làm đất gieo cấy trà hai vụ Xuân muộn, dặm tỉa lại diện tích lúa đã cấy bị chuột bọ phá hoại hoặc phát triển kém.

Để bảo vệ mùa màng, cùng với hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong làm cỏ, sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón cân đối, việc diệt chuột cũng được ngành Nông nghiệp quan tâm, phát động thường xuyên. Ông Lê Hồng Thiết - Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Diện tích ruộng gần đồi rừng rất dễ bị chuột phá hoại. Để bảo vệ mùa màng, từ nhiều năm nay Chi cục thường xuyên tổ chức phát động các đợt diệt chuột bằng các loại bả sinh học, bẫy, quây nilon bờ ruộng, phát bờ bụi, không tạo nơi cho chuột trú ngụ… Nhờ đó, tình trạng chuột hại lúa đã giảm nhiều so với trước kia”.

Gia đình anh Đỗ Văn Đăng, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng tiến hành ghép mắt bười Diễn tôm xanh có giá trị kinh tế cao.

Xác định vụ Chiêm Xuân là vụ chủ lực, quan trọng nhất, quyết định đến kết quả sản xuất các vụ khác trong năm nên ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phối hợp với các địa phương để hướng dẫn bà con nông dân ngay sau khi hoàn thành gieo cấy chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ các trà lúa, đặc biệt là tiến hành bón phân chuồng, lân NPK và bón cân đối đạm theo phương châm “Nặng đầu nhẹ cuối” kết hợp làm cỏ sục bùn. Cùng với đó, tổ chức bắt ốc bươu vàng, đánh bắt chuột đồng gây hại ở những xứ đồng cao; giữ nước ở mặt ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Thời tiết trong giai đoạn này đang có sự chênh lệch nhiệt độ cao giữa ngày và đêm, trong đó ban ngày nóng, ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sinh vật hại lúa Xuân sẽ xuất hiện từ nay tới cuối vụ, đặc biệt là các bệnh: Lùn sọc đen, đạo ôn, sâu đục thân...

Thời điểm lúa và các loại cây trồng vụ Xuân phát triển mạnh cũng là lúc giao mùa, thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển. Bên cạnh đó, từ nay đến tháng Ba âm lịch vẫn có nguy cơ xảy ra rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như năng suất vào cuối vụ. Vì vậy, việc chủ động, thường xuyên thăm, kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để sớm phát hiện sâu bệnh, thời tiết bất lợi, kịp thời có phương án xử lý đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đảm bảo lúa Chiêm Xuân phát triển tốt, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương cử cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng, nắm chắc diễn biến thời tiết, tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo các xí nghiệp thủy nông cung cấp đủ nước tưới dưỡng, nhất vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, trỗ bông, vào hạt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để nông dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên trong vụ Chiêm Xuân thời tiết thường xảy ra những diễn biến bất thường, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất. Vì vậy, chăm sóc lúa ngay từ đầu vụ đóng vai trò hết sức quan trọng. UBND các huyện, thành, thị đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương chủ động ký kết hợp đồng với Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung cấp phân bón trả chậm cho bà con nông dân; tích trữ nước trong các ao, hồ, đập, phai tạm để tưới dưỡng cho lúa trong trường hợp xảy ra khô hạn… Đồng thời, khuyến khích bà con nông dân hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV hóa học chuyển dần sang phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học; thực hiện làm cỏ bằng tay dần tiệm cận với sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/day-manh-cham-soc-cay-trong-vu-xuan/191003.htm