Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em miền núi
Phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) ngày càng nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đây là kết quả từ việc triển khai Chiến dịch về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ trẻ em miền núi của Trạm y tế thị trấn Cẩm Khê.
Chị Nông Thị Hạnh người dân tộc Thái ở thị trấn Cẩm Khê năm nay 29 tuổi. Sau khi sinh con 1 tháng, chị lúng túng trong việc thu xếp cuộc sống riêng tư của vợ chồng. Chồng chị không có thói quen dùng bao cao su, bản thân chị đang cho con bú nên không thể dùng thuốc tránh thai.
Chị Hạnh băn khoăn không biết nên dùng biện pháp gì để đảm bảo kế hoạch sau khi vừa sinh con mà không làm rạn nứt tình cảm vợ chồng.
Là người phụ nữ dân tộc Thái, từ lâu đã sống theo nếp truyền thống nên chị rất ngại chia sẻ vấn đề sức khỏe sinh sản của mình với người khác, nhưng bản thân chị thì không quyết định được nên làm thế nào cho "vẹn cả đôi đường". Được một hội viên phụ nữ động viên, chia sẻ, chị Hạnh quyết định đến với Trạm tâm y tế thị trấn để được hỗ trợ giải pháp về sức khỏe sinh sản.
Chị Phạm Thị Minh Nguyệt - Trạm Trưởng trạm y tế thị trấn Cẩm Khê cho biết, thị trấn nằm gần địa bàn khu công nghiệp Cẩm Khê nên chị em phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49 tuổi rất đông. Đa số chị em phụ nữ ở đây quan tâm đến biện pháp tránh thai dùng bao cao su, vì bao cao su vừa giúp tránh thai vừa có tác dụng phòng tránh được bệnh lây qua đường tình dục và chi phí ít tốn kém.
Tuy nhiên, một chị em dân tộc thiểu số có tâm lý e ngại, xấu hổ không chia sẻ hoặc đi khám các bệnh lây nhiễm tình dục, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Trước tình hình này, Trạm y tế thị trấn đã nỗ lực tuyên truyền tới phụ nữ về các bệnh lây qua đường tình dục. Đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ hàng tháng; tư vấn chăm sóc toàn diện, dinh dưỡng, tiêm chủng và phòng bệnh cho chị em phụ nữ. Đặc biệt, Trạm nâng cao các biện pháp tuyên truyền về tránh thai an toàn và thực hiện các dịch vụ tránh thai an toàn cho phụ nữ.
Cụ thể hơn, chị Nguyệt cho biết, ngay khi nắm bắt được chị em nào bị bệnh lây nhiễm tình dục, các cán bộ y tế sẽ tư vấn, điều trị cho người bệnh, đồng thời tuyên truyền phòng lây nhiễm cho người thân của người bệnh.
Để công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số được hiệu quả, Trạm y tế cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản miễn phí ở các xã và thị trấn như khám phụ khoa, đặt vòng, tư vấn, hỗ trợ chị em phụ nữ.
Không chỉ quan tâm sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện và Trung tâm Y tế Dự phòng, Trạm Y tế thị trấn thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn thị trấn. Tổ chức cân đo, chiều cao cân nặng tại các trường học, gia đình. Từ đó đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng của các học sinh và trẻ em dưới 5 tuổi.
Hàng năm Trung tâm Y tế có kế hoạch phòng chống suy dinh dưỡng, tổ chức cấp phát vi chất phòng chống suy dinh dưỡng trong năm. Mỗi năm 2 đợt 1/6 và 1/12 tổ chức chương trình đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng, từ đó có cơ sở để tư vấn bà mẹ cách nuôi con, chăm sóc bé, bổ sung vi chất và ô vuông thức ăn cho trẻ theo khoa học. Kết hợp với các tổ chức xã hội như phụ nữ, đoàn thanh niên hỗ trợ trẻ suy dinh dưỡng thuộc gia đình nghèo, cận nghèo.
Chị Nguyệt cũng thông tin, tháng 10 tới ngành y tế thị trấn Câm Khê sẽ thực hiện chiến dịch về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ trẻ em như tổ chức khám phụ khoa, đặt vòng tránh thai cho bà mẹ có nhu cầu. Tổ chức khám chiến dịch cho 25 khu có phụ nữ trong độ tuổi sinh sản để có vấn đề về phụ khoa, tư vấn sàng lọc ung thư vú, tử cung. Tư vấn tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện…
Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp, ngành liên quan của huyện, tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Qua đó giúp bà mẹ, trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.