Đẩy mạnh chiến lược truyền thông số cho sản phẩm truyền thống
Trong thời đại công nghệ phát triển, digital marketing (tiếp thị số/truyền thông số) dần trở thành xu hướng cho cả hiện tại và tương lai. Trên thực tế, sự phát triển nhanh chóng của digital marketing dường như lại bỏ quên văn hóa truyền thống và những sản phẩm truyền thống.
Digital marketing được định nghĩa là quá trình lập kế hoạch về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến đối với sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân dựa trên các phương tiện điện tử và internet.
PGS, TS Nguyễn Vân Hà - Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Ngân hàng) cho biết, trong thời đại công nghệ phát triển, digital marketing (tiếp thị số/truyền thông số) dần trở thành xu hướng cho cả hiện tại và tương lai. Trên thực tế, sự phát triển nhanh chóng của digital marketing dường như lại bỏ quên văn hóa truyền thống và những sản phẩm truyền thống. Sản phẩm truyền thống là các mặt hàng đã được hình thành từ lâu đời; có tính độc đáo, riêng biệt về mặt văn hóa; được lưu truyền và phát triển đến ngày nay.
Tuy nhiên, những sản phẩm này lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ diễn ra hiện nay. Vì vậy, để duy trì và phát huy giá trị văn hóa của các mặt hàng truyền thống, cũng như giữ gìn bản sắc dân tộc, thế hệ trẻ cần đóng góp một phần quan trọng, đi tiên phong làm chủ những xu hướng mới để có được những chiến lược truyền thống số phù hợp, hiệu quả với các sản phẩm này.
Đây là lý do khiến Khoa Quản trị kinh doanh - Học viện Ngân hàng quyết định chọn chủ đề của cuộc thi "Chìa khóa thành công" năm 2023 là "Chiến lược truyền thông số cho sản phẩm truyền thống Việt Nam".
"Chìa khóa thành công" là chương trình thường niên được Khoa Quản trị kinh doanh thuộc Học viện Ngân hàng tổ chức nhằm tạo sân chơi cho sinh viên của khoa nói riêng và sinh viên các trường trên địa bàn Hà Nội nói chung có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng về các hoạt động quản trị kinh doanh.
Trải qua các vòng thi hấp dẫn kéo dài trong 3 tháng, "Chìa khóa thành công" năm nay đã chọn được 4 đội thi xuất sắc nhất gồm: Calmpain, Sắc Việt, Hương Việt và Resilliennce tham dự vòng Chung kết diễn ra vào tối 11/5 vừa qua.
Ban Tổ chức đã trao giải Nhất trị giá 121 triệu đồng (hiện kim và hiện vật) cho đội Hương Việt. Giải Nhì trị giá 33 triệu được trao cho đội Calmpain. Đội Sắc Việt và Resilleince cùng giành giải Ba với số tiền thưởng mỗi đội là 16 triệu đồng.
Theo chia sẻ của đội Hương Việt, những năm gần đây, làng hương Quảng Phú Cầu với truyền thống 100 năm sản xuất tăm hương đang dần bị lãng quên do nhu cầu sử dụng hương tự nhiên giảm đáng kể. Nhiều xưởng sản xuất đã đóng cửa hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tình trạng này đang khiến các sản phẩm hương truyền thống của làng hương nổi tiếng một thời trở nên hiếm hơn trên thị trường.
Để duy trì và phát huy giá trị của hương tăm truyền thống. Team Hương Việt quyết định lựa chọn đề tài: “Gìn giữ và quảng bá làng hương Quảng Phú Cầu - Hương tự nhiên, an toàn sức khỏe”. Hương Việt đã giành điểm số cao qua 3 vòng: khởi động, bứt phá và về đích. Đặc biệt, Hương Việt còn "ghi điểm" trước Ban giám khảo với chiến lược digital marketing phù hợp để có thể làm “ sống dậy” làng hương Quảng Phú Cầu, nét đẹp văn hóa của người Việt.