Đẩy mạnh Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' ở huyện vùng cao
Năm 2019, huyện Bắc Yên có sản phẩm Trà xanh mây Tà Xùa và măng trúc muối ớt Háng Đồng được lựa chọn là 2 trong 28 sản phẩm OCOP của tỉnh, hai sản phẩm đều được đánh giá đạt 4/5 sao. Kết quả này đã tạo động lực để các địa phương trong huyện từng bước xây dựng sản phẩm đặc trưng, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Sau khi được lựa chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh, hai sản phẩm: Trà xanh mây Tà Xùa và măng trúc muối ớt Háng Đồng đã được tỉnh, huyện tạo điều kiện tham gia các hội chợ, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Cả hai sản phẩm đều nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, của các doanh nghiệp và các nhà phân phối, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, giá trị của hai sản phẩm đã được nâng lên đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Thào A Trống, Giám đốc HTX Nông nghiệp & Dược liệu Háng Đồng - đơn vị chủ yếu sản xuất sản phẩm măng trúc muối ớt của xã, phấn khởi: Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, măng trúc muối ớt của địa phương đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng, trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán trên 2.000 hộp măng, với giá từ 40.000-50.000 đồng/hộp.
Theo bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), giai đoạn 2018-2020, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát các sản phẩm đặc trưng của địa phương có tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, gồm: Thảo quả Hang Chú; 2 sản phẩm chè Tà Xùa; đậu tương Pắc Ngà; sơn tra sấy dẻo, sơn tra sấy khô của các xã vùng cao và 3 loại sản phẩm tinh dầu sả Java của xã Chim Vàn, cá tép dầu khô xã Chiềng Sại. Theo đó, UBND huyện đang thực hiện kế hoạch hỗ trợ theo từng giai đoạn cụ thể cho các HTX, các nhóm, các tổ sản xuất để tiến hành xây dựng và hoàn thiện thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó, sẽ phân bổ khoảng 700 triệu đồng để triển khai hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP.
Trong năm 2020, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức các đợt khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển, nguồn gốc của các sản phẩm tinh dầu sả Java và sơn tra sấy khô. Đồng thời, hỗ trợ các HTX trên địa bàn các xã: Chim Vàn, Hang Chú và Xím Vàng hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và đánh giá sản phẩm. Theo đánh giá bước đầu, các sản phẩm đã cơ bản đáp ứng các điều kiện của sản phẩm OCOP, đó là: Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng và tính độc đáo của sản phẩm. Hiện nay, các HTX đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cơ sở sản xuất, hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng thành viên để mở rộng quy mô hoạt động.
Xã Hang Chú có diện tích trồng cây sơn tra lớn nhất huyện Bắc Yên, với trên 1.160 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 15 tạ/ha. Anh Giàng A Chinh, Giám đốc HTX Sơn tra Nậm Lộng (Hang Chú) cho biết: Hiện, HTX đã đề nghị với huyện hỗ trợ kinh phí để xây dựng kho lạnh bảo quản quả sơn tra làm nguyên liệu để chế biến sơn tra sấy dẻo, sơn tra sấy khô. Đồng thời, nghiên cứu phương pháp chế biến sơn tra sấy khô và sấy dẻo, đáp ứng tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sơn tra.
Việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ hội để các địa phương trong huyện xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần để Bắc Yên đạt được mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025.