Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
Tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nhiều mặt đến cuộc sống người dân, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế ấy, việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG xoay quanh vấn đề này.
- Những năm gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên đối diện với khó khăn, thách thức đến từ thiên tai, dịch bệnh. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, khó khăn, thách thức ấy nhân lên gấp đôi. Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, mưa bão, lốc xoáy... Các hiện tượng thời tiết này diễn biến ngày càng thường xuyên, nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Trong đó, trồng trọt là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Trong vụ đông xuân 2023 - 2024, dự báo sản xuất nông nghiệp có nguy cơ chịu ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh kèm theo mưa rét kéo dài. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ trái vụ, lốc xoáy... có nguy cơ cao xuất hiện, làm ảnh hưởng đến năng suất các loại cây trồng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng có khả năng làm thay đổi quy luật phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại, gây khó khăn trong công tác phòng trừ sâu bệnh.
- Để thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng. Nỗ lực ấy mang lại kết quả đáng mừng gì, thưa bà?
- Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các cây trồng cạn khác phù hợp hơn, mang lại hiệu quả cao.
Lãnh đạo ngành tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua các phương án sản xuất hằng năm. Đặc biệt, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thiếu nước. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và nhận thức sâu sắc của người dân về hậu quả của biến đổi khí hậu, nỗ lực chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh đã mang về những kết quả cụ thể. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng lên hàng năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích chuyển đổi đạt trên 280 ha, gần tiệm cận kế hoạch toàn năm. Bà con nông dân đã chuyển đổi thành công nhiều loại cây trồng như dưa hấu, đậu xanh, ngô, rau màu... Phần lớn các mô hình chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa 1,5 - 2 lần. Thậm chí, có mô hình mang lại lợi nhuận cho người nông dân gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa. Vì thế, bà con đánh giá rất cao và hết sức phấn khởi.
- Đề nghị bà chia sẻ một số mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Quảng Trị?
-Thời gian qua, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được triển khai trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích. Điển hình là mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối. Kết quả chuyển đổi cho thấy, cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, năng suất sinh khối đạt 55 - 65 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, bà con nông dân thu lãi bình quân 15 - 25 triệu đồng/ha. Đây là mô hình sản xuất ngô sinh khối có liên kết đầu tiên và rất thành công trên địa bàn tỉnh. Một ví dụ điển hình khác là mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu tại các huyện Gio Linh và Vĩnh Linh với quy mô hơn 100 ha. Qua ghi nhận, mô hình này mang lại năng suất trung bình 18 - 20 tấn/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mô hình giúp bà con nông dân có lãi ròng 90 - 100 triệu đồng/ha, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa. Một mô hình hiệu quả khác là trồng đậu xanh tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng lúa từ 1,5 - 2 lần.
- Thường xuyên về cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế địa phương và tâm tư, nguyện vọng của người dân, bà có thể cho biết, thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn gì?
- Bên cạnh kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn. Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho cây trồng chuyển đổi chưa đảm bảo. Diện tích chuyển đổi cây trồng cạn manh mún, nhỏ lẻ nên việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế. Một số địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ dẫn đến việc nhiều diện tích đất trồng vẫn bị bỏ hoang, không sản xuất trong vụ hè thu. Doanh nghiệp đến liên kết, tổ chức sản xuất các loại cây trồng chuyển đổi còn ít. Thị trường tiêu thụ các loại cây trồng cạn chưa thực sự được như mong muốn.
- Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ có những giải pháp gì nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu?
- Để hoàn thành các chỉ tiêu ngành nông nghiệp đề ra, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan xây dựng phương án tổ chức sản xuất. Trong đó, các giải pháp được chú trọng là phát huy tối đa năng lực tổ chức, phát triển sản xuất các loại cây trồng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; đẩy mạnh tuyên truyền việc sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích thúc đẩy dồn ghép, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hóa mạnh mẽ vào sản xuất, phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị; rà soát, đánh giá, tăng cường khuyến khích, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các diện tích bỏ hoang những năm trước đây... Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ nỗ lực để mời gọi, hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp đến liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; tham mưu các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ; phối hợp tham mưu triển khai có hiệu quả Phương án số 3355/PA-UBND ngày 6/7/2023 của UBND tỉnh về ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025...
-Vậy, chính quyền địa phương, người dân trong tỉnh có thể làm gì để chung tay cùng ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, thưa bà? - Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh nhận thức sâu sắc rằng cán bộ, người dân trên địa bàn có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Qua nắm bắt thực tiễn, chúng tôi mong muốn chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân tổ chức thực hiện các giải pháp mà lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh đề ra. Cùng với đó, việc cần làm là rà soát, quy hoạch vùng sản xuất và lựa chọn các đối tượng cây trồng phù hợp với địa phương để chuyển đổi cho phù hợp; áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học - kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản; đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, VietGap... để thuận lợi cho đầu ra sản phẩm. Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chuyển đổi. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những mô hình mang lại hiệu quả cao để tạo động lực cho người dân thực hiện chuyển đổi và nhân rộng trong thời gian tới... Bên cạnh đó, người dân cần mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...
- Xin cảm ơn bà!
Quang Hiệp(thực hiện)