Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã có nhiều nỗ lực triển khai công tác này. Thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, địa phương hướng tới mục tiêu phục vụ hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội.

Hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng công nghệ số để phục vụ công việc và cuộc sống - Ảnh: L.A

Hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng công nghệ số để phục vụ công việc và cuộc sống - Ảnh: L.A

Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và xác định được vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với việc phát triển KT-XH của địa phương, huyện Hướng Hóa đã chú trọng xây dựng nền tảng chuyển đổi số với việc đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT).

Đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT của huyện đã đáp ứng được các yêu cầu về phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số trên địa bàn; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp; đảm bảo quốc phòng - an ninh và các sự kiện trọng đại của huyện.

Huyện chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cấp xã, 149/149 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 1.020 thành viên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng công nghệ số vào phục vụ công việc và cuộc sống.

Nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của huyện đã được triển khai tích hợp với CSDL của tỉnh, bộ, ngành trung ương. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, đồng bộ, mở rộng vùng phủ sóng về khu vực vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, chất lượng mạng lưới, dịch vụ ngày được nâng lên, nhiều loại hình dịch vụ mới tiếp tục được các doanh nghiệp triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có tổng số 150 trạm BTS (thu phát sóng di động) của các nhà mạng VNPT, Viettel và Mobifone.

Các trạm BTS thường xuyên được doanh nghiệp viễn thông tiến hành duy tu, bảo dưỡng đảm bảo hoạt động tốt. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có dịch vụ mạng internet 4G, 5G; 136/149 thôn bản được phủ sóng điện thoại di động mặt đất 4G, 5G, chiếm tỉ lệ 91,2%. Số hộ có điện thoại thông minh trên 3.000 hộ, đạt tỉ lệ 13%.

Đối với xây dựng chính quyền số, huyện đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động cơ quan nhà nước. UBND huyện đã cung cấp 238 dịch vụ công trực tuyến, UBND các xã cung cấp 124 dịch vụ công trực tuyến và tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cùng với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng nhân lực CNTT, nhiều ứng dụng CNTT được triển khai rộng rãi trong hoạt động của các đơn vị, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong quản lý, gửi và nhận văn bản qua mạng được triển khai đồng bộ từ huyện đến xã. Hệ thống cầu truyền hình trực tuyến được triển khai tại Văn phòng HĐND và UBND huyện (điểm cầu trung tâm) và 21/21 xã, thị trấn.

Cổng thông tin điện tử của huyện Hướng Hóa được thành lập với tên miền: huonghoa.quangtri. gov.vn; 21/21 xã, thị trấn có trang thông tin điện tử. Một số cơ quan, đơn vị đã có trang thông tin điện tử, địa chỉ mạng xã hội... hoạt động hiệu quả. Trong phát triển kinh tế số, huyện đã hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản chủ lực, đạt chứng nhận OCOP lên các sàn thương mại điện tử: Voso, Postmart...

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ khẳng định, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, mở rộng sự kết nối liên thông giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số cũng đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hổ cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: tỉ lệ bao phủ internet thấp; tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, có tài khoản ngân hàng để liên kết với ví điện tử ít, gây khó khăn cho quá trình tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán các dịch vụ cơ bản và giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, do trình độ sử dụng công nghệ thông tin hạn chế nên việc hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt sử dụng các dịch vụ số gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, trọng tâm là quá trình sử dụng công nghệ số, thay đổi tư duy và hành động, phương thức làm việc, sản xuất kinh doanh trong môi trường số nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng dữ liệu số; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thông tin tạo nền tảng xây dựng chính quyền số.

Tăng cường việc thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; ứng dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ số phục vụ công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động này nhằm hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần đưa Hướng Hóa ngày càng đi lên.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/day-manh-chuyen-doi-so-huong-den-loi-ich-cua-nguoi-dan-va-doanh-nghiep/182444.htm