Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác tư pháp
Ngày 28/3, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với Sở Tư pháp về nhiệm vụ, công tác tư pháp năm 2025. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Công an tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở Tư pháp báo cáo về công tác tư pháp năm 2024 và những tháng đầu năm 2025.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh chủ trì buổi làm việc.
Sở Tư pháp hiện có 63 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 25 biên chế hành chính và 34 biên chế sự nghiệp, 4 lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Thời gian qua, Sở tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành và đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tư pháp.
Năm 2024 và 2 tháng đầu năm nay, Sở đã tham gia ý kiến vào 349 lượt dự thảo văn bản; thẩm định 92 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh, 8 đề nghị xây dựng nghị quyết; hoàn thiện 50 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh.
Kiểm tra theo thẩm quyền 99 văn bản quy phạm pháp luật (còn hiệu lực thi hành tại thời điểm kiểm tra). Qua đó phát hiện 6 văn bản quy phạm pháp luật do UBND cấp huyện ban hành trái pháp luật về nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày. Các văn bản đã được xử lý bằng hình thức đính chính, rút kinh nghiệm, bãi bỏ đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu ý kiến.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 8/7/2024 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giám sát 51 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất...
Sở tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng 4 hệ thống phần mềm: Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang; cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu công chứng/chứng thực và dữ liệu ngăn chặn trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ của ngành còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như hoạt động hành nghề công chứng còn một số sai sót, vi phạm, có hiện tượng công chứng viên vi phạm trình tự, thủ tục. Quản lý nhà nước về giám định tư pháp chưa thực sự hiệu quả, nhất là ở lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu (gồm kỹ thuật hình sự, giám định pháp y).
Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đồng bộ, liên thông nên nhiều thông tin của công dân còn thiếu, sai lệch, không trùng khớp dẫn đến tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính mất thời gian.
Tại đây, đồng chí Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm phát huy vai trò của Sở trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giao Sở thực hiện ngay từ giai đoạn đầu của các nhiệm vụ, công việc.
Đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh đề xuất Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác bổ trợ tư pháp và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên địa bàn tỉnh. Qua đó tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo từ cấp ủy đảng đối với công tác này trong thời gian tới...
Sau khi nghe ý kiến của Sở Tư pháp, đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Công an tỉnh cũng trao đổi, làm rõ những kiến nghị về bổ sung biên chế, cán bộ, công chức, nguồn kinh phí và làm sạch dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại diện Công an tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Thịnh biểu dương những kết quả, thành tích mà Sở Tư pháp Bắc Giang đã đạt được. Đồng chí nhất trí với các kiến nghị gửi đến Bộ Tư pháp liên quan đến công tác tư pháp và đề xuất về ban hành 2 chỉ thị đã nêu song yêu cầu nội dung cần phải ngắn gọn, xúc tích.
Về việc bố trí nguồn quỹ của các trung tâm, đơn vị sự nghiệp, Sở cần có kế hoạch thu, chi hợp lý với tinh thần chủ động, linh hoạt.
Liên quan đến công tác xây dựng văn bản pháp luật, đồng chí yêu cầu Sở xác định những văn bản nào cần ban hành ở cấp tỉnh, nghiên cứu kỹ để trình UBND tỉnh. Kịp thời kiến nghị sửa đổi một số văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương bảo đảm tính chính xác, phù hợp. Định kỳ 6 tháng hoặc phát hiện những văn bản có dấu hiệu vi phạm, Sở cần báo cáo kịp thời UBND tỉnh.
Cán bộ, lãnh đạo Sở tích cực sử dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI cho công việc, nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện các giải pháp tuyên tuyền. Coi trọng trang thông tin điện tử của Sở, chú trọng phát triển Fanpage, Zalo OA nhằm nâng cao hiệu quả công việc...