Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai

Những năm qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai là việc làm cần thiết và cấp bách để nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, ứng phó, không để bị động trong mọi tình huống.

Camera giám sát tự động tại công trình đầu mối Nam Thạch Hãn giúp theo dõi, quan sát tình hình vận hành công trình trong điều kiện hạn hán, mưa lũ -Ảnh: L.A

Camera giám sát tự động tại công trình đầu mối Nam Thạch Hãn giúp theo dõi, quan sát tình hình vận hành công trình trong điều kiện hạn hán, mưa lũ -Ảnh: L.A

Trong khuôn khổ tài trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, năm 2023, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã được hỗ trợ trang bị hệ thống máy móc, thiết bị văn phòng kết nối và khai thác đồng bộ cùng với hệ thống 16 camera giám sát tại các vị trí xung yếu về thiên tai thuộc địa bàn 5 huyện, thị xã gồm Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ; 4 trạm đo mực nước tự động kết nối với 4 trạm cảnh báo ngập lụt tự động cho cộng đồng được lắp đặt tại các xã Hải Định, Hải Phong, huyện Hải Lăng và xã Triệu Độ, Triệu Đại, huyện Triệu Phong.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các hệ thống này đã hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai. Trong đó, hệ thống camera giám sát tại các ngầm tràn thường xuyên bị chia cắt do mưa lũ ở miền núi, với công nghệ độc lập về điện và internet đã hỗ trợ cho việc kịp thời theo dõi mực nước lũ, cảnh báo cho cộng đồng có phương án đảm bảo an toàn; các camera tại các khu neo tàu thuyền tránh trú bão theo dõi chỉ đạo phương án tàu thuyền tránh trú bão; camera tại công trình thủy lợi trọng điểm giúp theo dõi, quan sát tình hình vận hành công trình thủy lợi trong điều kiện hạn hán, mưa lũ...

Các trạm đo mực nước tự động tại các vùng thấp trũng giúp theo dõi mực nước thuận lợi, nhất là kết nối trạm cảnh báo tự động bằng loa phát thanh sẽ kịp thời cảnh báo cho người dân chủ động phương án phòng tránh mưa lũ, ngập lụt.

Bên cạnh việc truyền dữ liệu tổng thể gồm hình ảnh, số liệu... về văn phòng đầu mối thì các thông tin, dữ liệu cảnh báo còn được chia sẻ khai thác dùng chung cho các cấp chính quyền và người dân nhằm chủ động trong sản xuất, sinh hoạt và sẵn sàng các phương án phòng tránh, đảm bảo an toàn và giảm thiểu các thiệt hại.

Đặc biệt, việc kết nối hệ thống này với phòng họp trực tuyến của văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức các cuộc họp trực tuyến khi có thiên tai xảy ra đã góp phần thông tin nhanh chóng, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCTT Lê Quang Lam, thời gian qua, việc nghiên cứu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy lợi và PCTT đã được đơn vị và các địa phương triển khai thực hiện khá toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, đê điều và PCTT đáp ứng đủ điều kiện để triển khai thực hiện trên môi trường mạng nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ tối đa, giảm thiểu chi phí cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, thống kê trong lĩnh vực được cung cấp, chia sẻ công khai trên website của Sở Nông nghiệp và PTNT, trang IOC của tỉnh.

Đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên một số khu vực sản xuất, mở rộng diện tưới cho cây trồng cạn với diện tích gần 1.000 ha mang lại hiệu quả rõ rệt, đảm bảo cấp nước, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, chủ động thích ứng với hạn hán.

Việc ứng dụng vật liệu, công nghệ mới vào thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi mang lại kết quả tích cực, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, hiệu quả trong điều kiện triển khai tại hiện trường khó khăn, rút ngắn thời gian thi công.

Triển khai lắp đặt và khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống 35 trạm đo mưa nhân dân tự động và các trạm quan trắc, giám sát, cảnh báo thiên tai tự động, trực quan phục vụ hiệu quả trong công tác cảnh báo, dự báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, đã cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ miễn phí cho cộng đồng thông qua website và ứng dụng phần mềm Vrain cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc máy tính nhằm đảm bảo yêu cầu chủ động sản xuất, ứng phó thiên tai.

Đã xây dựng trang fanpage về phòng chống thiên tai của văn phòng Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh để kịp thời cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến về thiên tai và các văn bản chỉ đạo, điều hành đến với cộng đồng.

Ứng dụng công nghệ WebGIS, phần mềm Google Earth, Mapinfo để lập bản đồ hiện trạng, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về hệ thống công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn, đê điều, tình trạng sạt lở và PCTT, khai thác phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Triển khai đo đạc, định vị tọa độ, lập bản đồ hành lang bảo vệ đê điều tại tuyến đê tả Bến Hải, số hóa, đồng bộ lên phần mềm Google Earth phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát các hoạt động trong hành lang đê điều.

Bên cạnh đó còn ứng dụng các phần mềm chuyên ngành và công nghệ thông tin vào hoạt động dự báo nguồn nước theo các lưu vực sông phục vụ xây dựng kế hoạch sử dụng nước của các ngành kinh tế và công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với hạn hạn trên địa bàn tỉnh.

Đưa vào vận hành phần mềm quản lý, điều tiết, thông tin về nguồn nước tưới tại hệ thống công trình Bảo Đài, La Ngà và Sa Lung phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống hạn kịp thời, hiệu quả. Tiếp nhận, nâng cấp từng bước hiện đại, vận hành hiệu quả hệ thống trang thiết bị, máy móc tại Văn phòng Ban Chỉ huy PTTT & TKCN tỉnh.

“Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy lợi và PCTT một mặt giúp cơ quan chức năng nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, việc triển khai áp dụng những tiện ích mới trong công tác tuyên truyền, liên lạc, cung cấp thông tin cần thiết, kịp thời sẽ giúp cộng đồng từ bị động ứng phó sang chủ động từ trong khâu phòng ngừa”, ông Lam cho biết thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-thuy-loi-va-phong-chong-thien-tai-188382.htm