Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản

Ngày 15/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì tổ chức diễn đàn 'Khuyến nông @ nông nghiệp' với chủ đề 'Ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản'.

Các đồng chí chủ tọa và ban cố vấn giải đáp câu hỏi của đại biểu.

Các đồng chí chủ tọa và ban cố vấn giải đáp câu hỏi của đại biểu.

Tại diễn đàn, các đại biểu là chủ hộ sản xuất, đại diện HTX đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đơn cử như lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý môi trường ao nuôi và dịch bệnh trên đàn cá; cách phòng ngừa, điều trị một số bệnh đàn cá thường mắc phải; chính sách hỗ trợ cho các chủ thể nuôi thủy sản…

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã giải đáp từng câu hỏi cụ thể. Ông Nguyễn Kim Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu. Công nghệ số giúp người nuôi nắm bắt chính xác các vấn đề về môi trường nước, dịch bệnh để xử lý kịp thời.

Ví dụ nếu hàm lượng pH, oxy trong ao không phù hợp, hệ thống máy móc sẽ tự động cảnh báo và điều chỉnh thiết bị để cân đối hàm lượng, bảo đảm cho đàn cá phát triển tốt nhất. Khi ứng dụng chuyển đổi số, người chăn nuôi tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian, chi phí, từ đó giúp tăng năng suất, thu nhập.

Các chuyên gia thông tin, đàn cá thường gặp một số bệnh như nấm thủy mi, đốm trắng, đốm đỏ do vi khuẩn… Để phòng ngừa, người nuôi cần quan tâm xử lý môi trường nước bằng các chế phẩm sinh học; bổ sung thức ăn tăng sức đề kháng cho đàn cá; nuôi ở mật độ phù hợp; quạt nước về đêm và sáng sớm nhằm cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan.

Ông Nguyễn Kim Phúc trao đổi tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Kim Phúc trao đổi tại diễn đàn.

Hiện tỉnh Bắc Giang đang triển khai Đề án "Phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025”. Thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác có từ 0,8 ha trở lên nuôi thủy sản thâm canh đều đủ điều kiện tham gia. Khi đó, các hộ nuôi sẽ được hỗ trợ 60% giá cá giống (rô, chép, trắm); 50% kinh phí mua máy móc, trang thiết bị hiện đại như máy quạt nước, máy cho ăn tự động, hệ thống điều khiển thông minh; được tư vấn, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh miễn phí.

Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Hằng năm, UBND các huyện, TP đều cân đối ngân sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đăng ký vùng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, diễn đàn là “cầu nối” giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý với người nuôi thủy sản. Thông qua đó, người dân được giải đáp những vướng mắc trong quá trình sản xuất, cơ quan quản lý kịp thời nắm bắt những khó khăn để có giải pháp tháo gỡ.

Được biết, hiện toàn tỉnh có hơn 12 nghìn ha nuôi thủy sản (trong đó hơn 1,8 nghìn ha nuôi thâm canh, nhiều gấp 4 lần so với năm 2014); có 52 vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP (ước gần 900 ha) tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng. Sản lượng thu hoạch cá thương phẩm ước khoảng 54 nghìn tấn các loại, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Hầu hết các hộ nuôi thâm canh, bán thâm canh đều ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động nuôi thủy sản như sử dụng máy tạo oxy, máy cho ăn tự động, hệ thống quản lý từ xa, sử dụng công nghệ biofloc xử lý môi trường nước; liên doanh, liên kết bảo đảm đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận.

Tin, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/416460/day-manh-chuyen-doi-so-trong-nuoi-trong-thuy-san.html