Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.
Đây là cơ sở để các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục trên cơ sở áp dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học.
Chuyển đổi số giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm
TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GDĐT, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030 nếu không đặt nặng vấn đề chuyển đổi số mà tiếp tục như giai đoạn trước là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thì rất vất vả mới có thể thành công và khó theo kịp sự phát triển của thời đại mới.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, chuyển đổi số là nhiệm vụ, mục tiêu mà xã hội học tập ở giai đoạn tới cần đạt được, để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Xây dựng hệ thống trường lớp, cơ sở GDĐT hoạt động trong môi trường số là thành quả mà xã hội học tập trong giai đoạn tiếp theo phải đạt được.
Đánh giá về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2011-2020, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết: Ngành GD-ĐT và các cấp Hội Khuyến học đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân; qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chủ trương xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người.
Tuy nhiên việc triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Có thể kể đến, nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm; các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú và điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn nên chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Việc học tập và ý thức tự học trong nhân dân chưa cao; nhiều nơi chưa coi trọng công tác đào tạo nghề cho công nhân, lao động nông thôn, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và người lao động; một bộ phận người dân còn tái mù chữ; chất lượng công tác đào tạo từ xa chưa cao.
Đặc biệt, Việt Nam đang tiến vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, là thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của thời đại số, của kỷ nguyên số, của yêu cầu phát triển con người và chia sẻ tri thức. Bối cảnh này vừa mang lại những lợi thế lớn đối với việc đa dạng hóa các cơ hội học tập cho người dân; đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với giáo dục và đào tạo.
Do đó, chuyển đổi số trong giáo dục phải trở thành một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu để triển khai hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong giai đoạn mới.
Từ thực tế và bối cảnh trên, việc xây dựng, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy việc học tập của người lớn và xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục
Theo Chỉ thị của Thủ tướng, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị- xã hội.
Trong đó, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, xây dựng các khóa học trực tuyến mở, đại chúng trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đa dạng hóa nội dung giáo dục, đào tạo, đổi mới phương thức học tập và tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội trong tổ chức các hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn...
Đẩy mạnh liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới và các giải pháp phù hợp trong hoạt động dạy và học để chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập trong xã hội giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với thực tiễn triển khai ở các địa phương trong cả nước; nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập và tổ chức thí điểm để triển khai nhân rộng trong cả nước.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện việc đánh giá, xếp loại, công nhận các mô hình học tập trong xã hội một cách thiết thực, hiệu quả. Chủ động đăng ký, lựa chọn và đề xuất các thành phố trực thuộc tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc điều hành.
Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, tích cực phối hợp với Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.