Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc
Tỉnh ta có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 80%, những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho năng suất, chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng của từng vùng, có giá trị, khả năng cạnh tranh cao, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo hệ thống khuyến nông các cấp tư vấn dịch vụ và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người sản xuất, như: Biện pháp phòng chống rét cho các loại cây trồng, vật nuôi vào các đợt rét đậm, rét hại; hướng dẫn gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và thu hoạch lúa xuân, lúa mùa; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng trên nương; hướng dẫn thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP cho chè, rau, quả... Vận động, hướng dẫn nông dân chủ động phòng chống bệnh dịch, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đúng định kỳ. Đặc biệt, thông qua các chương trình, mô hình khuyến nông sử dụng vốn ngân sách nhà nước và mô hình khuyến nông tự nguyện như: Thâm canh lúa cải tiến theo SRI, hiệu ứng hàng biên; ủ phân hữu cơ vi sinh; tăng vụ trên đất sản xuất lúa 1 vụ; chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (cây xoài, nhãn, chuối, chanh leo, bơ, cây ăn quả có múi, dâu tây...) áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sử dụng cơ giới hóa sản xuất bằng việc đưa máy móc vào sản xuất, thu hoạch sản phẩm như sử dụng máy cày, máy gặt, phương tiện ô tô vào việc chở các nông sản đến nơi tiêu thụ... Trồng cây ăn quả ghép xen cây cà phê; chăn nuôi dê, lợn, gà... an toàn sinh học; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện... Trong 5 năm gần đây, đã tiến hành hỗ trợ thực hiện mô hình, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 12.000 lượt người là người DTTS. Tổ chức các lớp tập huấn, tham quan hội thảo với sự tham gia của trên 600.000 lượt người là người DTTS. Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các mô hình tự nguyện và phối hợp với các công ty giống cây trồng, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu để trồng thử nghiệm và chuyển giao kỹ thuật sản xuất các giống mới nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho nông dân nói chung, nông dân là người DTTS nói riêng.
Cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp còn khảo nghiệm và đưa vào sản xuất nhiều loại giống mới có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng, gồm: 4 giống mía; 7 giống ngô; 17 giống cây ăn quả các loại (2 giống nhãn chín muộn, 2 giống nhãn chín sớm; 4 giống bơ; 3 giống xoài; 3 giống cam quýt; giống hồng giòn MC1; thanh long ruột đỏ; bưởi da xanh...); các giống lúa lai; cà phê catimor; rau các loại; chè Shan Tuyết, Kim Tuyên... Nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất cao được đưa vào sản xuất như giống lợn Yorshire, Landrace, Duroc; bò thịt chất lượng cao như bò Shin, bò lai Zebu; giống gà Ai Cập, Sasso, Vịt Khaki Campbell, vịt Super; bò sữa cao sản HF thuần chủng; ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu... Qua đó, đã tạo ra những sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng của từng vùng, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật ghép, trồng, chăm sóc cây ăn quả ghép mắt, chè giâm cành, cà phê giống mới, góp phần đưa diện tích cây ăn quả ghép mắt lên trên 12.000 ha; hơn 3.800 ha chè giống mới (Kim Tuyên, Bát Tiên, Shan Tuyết...); trên 17.000 ha cà phê chè.
Hiện nay, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Triển khai hệ thống tưới tiết kiệm nước cho gần 500 ha của 114 doanh nghiệp, HTX, cá nhân, trong đó có 56 doanh nghiệp, HTX, cá nhân là người DTTS, chiếm 49,1% tổng số tổ chức, cá nhân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có gần 50 ha nhà lưới, nhà kính, nhà màng của 40 doanh nghiệp, HTX, cá nhân, trong đó có 23 doanh nghiệp, HTX, cá nhân là người DTTS, chiếm 57,3% tổng số tổ chức, cá nhân áp dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ duy trì, phát triển 68 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, trong đó hỗ trợ duy trì, phát triển 15 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn của 15 HTX có giám đốc là người DTTS... Các mặt hàng nông sản của tỉnh đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn như: Vinmart, Big C, Lotte, Hapro... và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Điều này, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tính đến ngày 30/6/2019 giảm còn 25,2%.
Với những kết quả đã đạt được từ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước giúp đồng bào DTTS vươn lên xóa đói nghèo, làm giàu bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.