Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân

Thời gian qua, hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được ngành chức năng của tỉnh triển khai rộng rãi. Qua đó tạo được sự chuyển biến tích cực thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân.

Gia đình anh Vũ Thành Đĩnh (ở xóm Đồng Vĩ, xã Bàn Đạt, Phú Bình) áp dụng kỹ thuật nuôi gà trên nền đệm lót sinh học gần 2 năm nay.

Gia đình anh Vũ Thành Đĩnh (ở xóm Đồng Vĩ, xã Bàn Đạt, Phú Bình) áp dụng kỹ thuật nuôi gà trên nền đệm lót sinh học gần 2 năm nay.

Nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy sản xuất hàng hóa, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, các huyện, thành phố tổ chức đào tạo, tập huấn, triển khai thực hiện các dự án, mô hình trình diễn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Riêng năm 2023, Ngành tổ chức được 340 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật và thực hiện 56 dự án, mô hình trình diễn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Các mô hình, mô hình, dự án chuyển giao khoa học - kỹ thuật chúng tôi tập trung thực hiện là về chăn nuôi bò, gà thịt theo hướng VietGAP; sản xuất lúa, chè theo tiêu chuẩn hữu cơ; sản xuất nông nghiệp theo tuần hoàn…

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Trên lĩnh vực trồng trọt, Chi cục triển khai dự án ứng dụng khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng chè, lúa theo quy trình VietGAP; thâm canh giống ngô, lúa mới; canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; mô hình IPHM (phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp)… qua đó giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế sâu bệnh trên cây trồng, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Năm 2023, chị Nông Thị Thùy (ở xóm Vân Hòa, xã Văn Hán, Đồng Hỷ) quyết định chuyển đổi 6/10 sào chè của gia đình từ sản xuất thông thường sang hữu cơ. Tham gia mô hình, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác.

Chị Thùy cho biết: Sau khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tôi thấy cây chè phát triển khỏe, lá dày, búp mập và non lâu so với sản xuất thông thường trước kia; khi pha trà màu nước xanh, sánh và vị ngọt hậu. Giá bán chè cũng cao hơn từ 10-20 nghìn đồng/kg chè búp tươi. Đặc biệt việc sản xuất chè hữu cơ đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường do không sử dụng thuốc hóa học, tạo không khí trong lành hơn.

Gia đình anh Vũ Thành Đĩnh (ở xóm Đồng Vĩ, xã Bàn Đạt, Phú Bình) cũng huyển từ chăn nuôi gà theo hướng truyền thống sang sử dụng đệm lót sinh học sau khi tham gia một số lớp tập huấn về ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật do huyện, tỉnh tổ chức. Hiện, anh đang áp dụng trên diện tích chuồng trại rộng hơn 200m2, quy mô mỗi lứa 2.500 con gà ri lông đỏ.

"Từ khi dùng đệm lót sinh học, chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, đàn gà khỏe mạnh, hạn chế tối đa được các loại bệnh thông thường. Do nhà ở của gia đình nằm gần chuồng trại nên việc dùng đệm lót sinh học rất phù hợp, giúp giảm mùi hôi làm ảnh hưởng sinh hoạt" - anh Đĩnh chia sẻ.

Xóm Đồng Vĩ hiện có 179 hộ thì trên 60% gia đình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, với 150 con trâu, bò; trên 30.000 con gia cầm và 1.000 con lợn. Ông Nguyễn Hữu Đạt, Trưởng xóm Đồng Vĩ nhận xét: Ưu điểm của việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Do vậy, gần 90% số hộ chăn nuôi gà, lợn trong xóm đã ứng dụng đệm lót sinh học và sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202407/day-manh-chuyen-giao-khoa-hoc-ky-thuat-cho-nong-dan-4b1029e/