Lý do doanh nghiệp vẫn ngại chuyển đổi xanh

Vấn đề tài chính luôn được đặt lên hàng đầu khi các doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đã có những giải pháp dễ dàng thu hồi vốn trong 2-3 năm.

Theo thống kê của Schneider Electric, có khoảng 67% doanh nghiệp ở Việt Nam xây dựng, theo dõi và công khai kết quả thực hiện các mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, 47% doanh nghiệp có chiến lược toàn diện về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, từ ý định tới hành động đang có khoảng cách khá lớn, bởi 52% tổng số doanh nghiệp vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Cần nguồn vốn "khổng lồ"

Trong phiên thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Schneider Electric tổ chức ngày 2/8, ông Jason Yeo, Giám đốc Khối Phát triển doanh nghiệp bền vững của Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ có 2 lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện các giải pháp phát triển bền vững.

Đầu tiên là yếu tố kinh tế khi các doanh nghiệp sợ không còn lợi nhuận và thứ hai là về nhận thức, kiến thức, bởi có quá nhiều giải pháp và công nghệ. "Họ không biết áp dụng cái gì và bắt đầu từ đâu", ông Jason Yeo chia sẻ.

Trong khi đó, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng 3 thách thức lớn nhất là quản trị, công nghệ và tài chính.

Trong đó, vấn đề quản trị đòi hỏi những chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ Chính phủ và hệ thống quản trị của doanh nghiệp. Câu chuyện công nghệ có rào cản lớn nhất là trình độ và năng lực của con người, bởi mục tiêu cuối cùng vẫn là làm chủ công nghệ.

Để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng cần nguồn vốn rất lớn, có thể nói là khổng lồ, trong khi đó quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn

Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

"Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng cần nguồn vốn rất lớn, có thể nói là khổng lồ, trong khi đó quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn", ông lưu ý.

Ông Thi dẫn chứng trong lĩnh vực điện lực, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện VIII, với tổng lượng vốn đầu tư để đạt được các mục tiêu đến năm 2030 khoảng 120 tỷ USD.

"Nguồn lực này ở đâu? Huy động như thế nào? Sử dụng ra sao? Để đáp ứng yêu cầu như vậy, đây là thách thức không nhỏ và hiện hữu đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam", ông đặt vấn đề.

 Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: Duy Hiệu.

Dù vậy, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons tin rằng doanh nghiệp không cần chọn lựa giữa việc tăng trưởng lợi nhuận và phát triển bền vững. Thực tế, Coteccons trong 3 năm qua đã tăng trưởng 30% mỗi năm và vẫn "xanh".

Theo ông, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân. Bản thân Coteccons trong 6-7 năm qua đã xây dựng hơn 40 tòa nhà xanh, có chứng chỉ xanh, tiết kiệm nhiều năng lượng hơn trong thiết kế, và vẫn đang có 4-5 công trình hoàn thành trong vài năm tới.

Để giải quyết câu chuyện tài chính này, ông Jason Yeo nhấn mạnh UOB đang nỗ lực để đánh giá và thấu hiểu những khó khăn của khách hàng, cũng như cung cấp tín dụng xanh để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi xanh.

"Chúng tôi đồng thời hỗ trợ khách hàng trong các dự án thí điểm, bởi chúng tôi cũng có trách nhiệm khử carbon trong danh mục cho vay của mình", ông Jason nói.

Thời gian hoàn vốn của một số công nghệ có thể lên đến 10 năm, nhưng một số hiện tại chỉ mất 2-3 năm

ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia

Trong khi đó, từ góc nhìn của một đơn vị cung cấp giải pháp, ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho rằng công nghệ có thể loại bỏ 70% phát thải CO2 trong chuỗi mắt xích năng lượng, qua đó giúp thế giới tiết kiệm 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

"Thời gian hoàn vốn của một số công nghệ có thể lên đến 10 năm, nhưng một số hiện tại chỉ mất 2-3 năm. Vậy tại sao chúng ta đang đầu tư cho một tài sản 40-50 năm mà không đầu tư thêm một chút cho những công nghệ giúp tài sản này được bền vững hơn?", ông Lâm nói.

Cần sự phối hợp của Chính phủ và cả chuỗi cung ứng

Tại Hội nghị, Schneider Electric đã giới thiệu loạt giải pháp mới về tự động hóa, số hóa và điện hóa nhằm thúc đẩy quá trình khử carbon, cách mạng cơ sở hạ tầng AI và chuyển đổi hệ thống quản lý năng lượng.

Bà Chris Leong - Phó chủ tịch Tập đoàn, Phụ trách Marketing toàn cầu của Schneider Electric cho biết 4 lĩnh vực chính mà "ông lớn" này sẽ tập trung để đầu tư giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh là trung tâm dữ liệu, tòa nhà, công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, cả 4 lĩnh vực này đều đang có nhiều tiềm năng để phát triển.

Tuy nhiên, tập đoàn cũng nhấn mạnh việc cần sự chung tay của Chính phủ, các hiệp hội và doanh nghiệp đối tác trong các ngành nghề, chuỗi cung ứng để những giải pháp này thực sự được ứng dụng và tạo tác động.

 Bà Chris Leong - Phó chủ tịch Tập đoàn, Phụ trách Marketing toàn cầu của Schneider Electric chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: SE.

Bà Chris Leong - Phó chủ tịch Tập đoàn, Phụ trách Marketing toàn cầu của Schneider Electric chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: SE.

Theo ông Tạ Đình Thi, Việt Nam đã có nhận thức rất sớm và cũng tiếp cận rất nhanh với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đã thể chế hóa bằng những chính sách pháp luật cụ thể. Đơn cử, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra lộ trình cụ thể và những biện pháp để tiến tới xây dựng nền kinh tế carbon thấp.

Đặc biệt, tại COP26, Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Từ đó đến nay, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã xây dựng lộ trình để ban hành các văn bản pháp luật liên quan.

Trong đó, Chính phủ đưa ra nhiều chương trình hành động, cũng như sửa đổi các văn bản dưới Luật, điển hình là xem xét sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nhiều chính sách liên quan nhằm giảm phát thải carbon.

Trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội cũng đang xem xét sửa một số luật liên quan.

Hiện tại, Chính phủ cũng đang xem xét sửa toàn diện Luật Điện lực, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ VIII trong tháng 10 tới đây.

Dù vậy, ông Phạm Phú Trường, Phó chủ tịch HĐTV Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) cho biết tất cả quốc gia cam kết Net Zero vào năm 2050 đều chưa đảm bảo được lộ trình, thậm chí còn đang gia tăng phát thải 9% so với trước đây.

Riêng tại Việt Nam, ông đánh giá Chính phủ rất nhiệt huyết với cam kết này, tuy nhiên một số chính sách vẫn mang tính ngắn hạn, chưa có sự kết nối thực sự đến doanh nghiệp. Ông cho rằng cần có những chính sách phục vụ đa đối tượng, đa ngành, kèm mục tiêu và thời gian cụ thể, tập trung khuyến khích doanh nghiệp tự tin đầu tư phát triển.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-doanh-nghiep-van-ngai-chuyen-doi-xanh-post1489768.html