Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn
Năm qua, TP Cao Lãnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 248/KH-UBND, ngày 17/8/2021 của UBND tỉnh về thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đối với tiêu chí xanh, trên địa bàn thành phố có 77 công viên, hoa viên, tuyến đường trồng cây xanh với tổng diện tích 44,4ha. Trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường nông thôn trồng được gần 10.500 cây, gồm các loại: dầu, sao, bằng lăng, kèn hồng, phượng, lim xẹt... Tất cả các hoa viên, công viên cây xanh và nhiều tuyến đường khu vực nông thôn được lắp đặt đèn chiếu sáng.
Thành phố chọn các tuyến đường Hòa Tây (đoạn từ đường Nguyễn Thái Học đến cầu Bằng Lăng) làm tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện; tuyến đường kiểu mẫu cấp xã gồm: tuyến đường số 1, xã Tân Thuận Đông và tuyến đường Dương Thị Mỹ, xã Tịnh Thới...
Đối với tiêu chí sạch, năm 2023, thành phố phối hợp Chi nhánh Dịch vụ môi trường tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn; mở rộng địa bàn thu gom rác thêm 20 tuyến đường nông thôn, nâng tỷ lệ thu gom rác khu vực nông thôn đạt 82,7%, tăng 19% so với kết quả đạt được cuối năm 2022.
Đồng thời tổ chức hơn 115 đợt ra quân trồng cây, làm vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm che khuất tầm nhìn; tổ chức tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua đăng ký mô hình “Nói không với rác thải nhựa” cho các quán ăn, quán giải khát trên địa bàn... Theo đó, phát quang bụi rậm, chặt mé cây che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường với tổng chiều dài trên 25km; thu gom trên 370 tấn rác thải, lục bình trên các dòng sông...
Đối với tiêu chí đẹp, thành phố quy hoạch và bố trí vị trí treo băng-rôn, pa-nô, bảng quảng cáo dọc các tuyến đường trên địa bàn. Hướng đến phát triển bền vững, đơn vị chỉ đạo các ban, ngành thành phố và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và chấp hành quy định pháp luật trong quá trình hoạt động bằng nhiều hình thức. Theo đó, các hộ tiểu thương và hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thống nhất ký cam kết trang bị sọt rác và đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động kinh doanh. Đối với các tuyến đường liên huyện, liên xã và tuyến đường phụ đều được bê tông, nhựa hóa; hoa viên, công viên cây xanh được chăm sóc chỉnh trang thường xuyên và trồng mới. Các tuyến đường khu vực nông thôn được lắp đặt đèn chiếu sáng và Camera an ninh, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Trong năm 2023, UBND TP Cao Lãnh tiếp tục quan tâm thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn. Theo đó, công tác tuyên truyền hướng dẫn nâng cao nhận thức người dân trong sử dụng thuốc BVTV được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. UBND thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, phối hợp Hội Nông dân thành phố và UBND các xã, phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc BVTV và đặc biệt là thu gom vỏ, bao gói thuốc BVTV bỏ đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo UBND xã, phường chủ động, phối hợp với các ngành chuyên môn lựa chọn vị trí thích hợp đề xuất xây dựng hố thu gom, lưu chứa vỏ, bao gói thuốc BVTV trên địa bàn đảm bảo phù hợp với thực tế của địa phương. Đến nay, trên địa bàn TP Cao Lãnh xây dựng được 86 hố và trang bị được 75 thùng rác loại 240 lít để thu gom vỏ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, không có khu lưu chứa tập trung. Năm qua, tiến hành thu gom, xử lý được 2,1 tấn vỏ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn.
Trong năm 2024, UBND TP Cao Lãnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp UBND xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về tác hại của việc vứt bừa bãi bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Bố trí kinh phí nhân rộng hố thu gom, thiết bị lưu chứa và thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn; chỉ đạo UBND xã, phường tiếp tục quản lý các bể, thiết bị lưu chứa vỏ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn và báo cáo định kỳ hàng năm theo quy định...