Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới

Sau phiên khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, các diễn giả đã cùng tham gia phiên thảo luận với chủ đề 'Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới'.

 Các đại biểu dự phiên thảo luận "Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới". (Ảnh: Anh Sơn)

Các đại biểu dự phiên thảo luận "Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới". (Ảnh: Anh Sơn)

Phiên thảo luận có sự tham gia điều hành của Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Nguyễn Đồng Trung và các diễn giả gồm: Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Đoàn Phương Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh; Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao Hoàng Hữu Anh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng; Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Phan Thị Minh Giang.

Công tác NGKT phục vụ hiệu quả phát triển bền vững tại địa phương

Đánh giá về hiệu quả của công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đối với phát triển bền vững tại địa phương, bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho rằng, công tác NGKT triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và các địa phương. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Chính phủ ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, 34/63 địa phương đã ban hành văn bản triển khai công tác NGKT.

Công tác NGKT đã hỗ trợ địa phương xây dựng các mục tiêu phát triển KTXH: thẩm định, rà soát các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành. Bộ Ngoại giao liên tục cập nhật thông tin cho các địa phương về tình hình kinh tế thế giới, xu hướng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế; điều chỉnh chính sách của các nước; thông tin từ các thị trường, cơ hội hợp tác - giao thương; tiêu chuẩn, luật lệ mới đang hình thành… Những việc này được triển khai thông qua các báo cáo hàng tháng gửi Lãnh đạo và các cơ quan tại địa phương; Trang NGKT trực tuyến; Các Tọa đàm, Hội nghị tại các địa phương.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Đoàn Phương Lan. (Ảnh: Anh Sơn)

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Đoàn Phương Lan. (Ảnh: Anh Sơn)

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao góp phần kiến tạo cơ hội thúc đẩy các động lực tăng trưởng, hỗ trợ các địa phương hội nhập quốc tế. Tạo dựng quan hệ hợp tác thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc, biện pháp hạn chế, quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng cách xây dựng chương trình, lồng ghép nội dung làm việc của Lãnh đạo cấp cao, quảng bá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, hình ảnh Việt Nam đổi mới, giàu tiềm năng, chính trị ổn định, thị trường lớn, điểm đến đầu tư hấp dẫn; tổ chức các Ngày Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường quan trọng.

“Về thương mại - xuất khẩu: Bộ Ngoại giao vận động công nhận kinh tế thị trường; vận động nhập khẩu hàng Việt Nam; các hoạt động tại nước ngoài quảng bá các sản phẩm OCOP, nông lâm thủy sản của địa phương; phát triển ngành Halal…”, bà Đoàn Phương Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về đầu tư, công tác NGKT đẩy mạnh ngoại giao tập đoàn, tìm kiếm, tiếp cận các tập đoàn hàng đầu, đưa vào Việt Nam làm việc bằng cách hiện thực hóa các cơ hội thu hút đầu tư tại các địa phương, tập trung vào các lĩnh vực tiên tiến (nhà máy trung hòa carbon của Lego, các đoàn Hiệp hội bán dẫn Mỹ, tập đoàn John Cockerill của Bỉ về hydro xanh); thẩm tra, xác minh nhà đầu tư nước ngoài theo yêu cầu của địa phương.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao đã nhận được hơn 100 đề xuất, kiến nghị của gần 50 địa phương mong muốn được hỗ trợ về công tác NGKT và hội nhập quốc tế, tập trung vào một số vấn đề chính là: nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ cao, đô thị thông minh, khu thương mại tự do…; cung cấp thông tin về các thị trường, đối tác, yêu cầu, tiêu chuẩn, rào cản; tăng cường sự tham gia của các địa phương tại các hoạt động đối ngoại cấp cao, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại - du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ địa phương quảng bá hình ảnh và sản phẩm ở nước ngoài, tổ chức các sự kiện quốc tế tại địa phương; tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển, trong đó có vốn FDI, vốn ODA, vốn viện trợ NGO; kết nối, thiết lập quan hệ đối tác với các đối tác nước ngoài và triển khai các thỏa thuận đã ký kết.

Theo bà Đoàn Phương Lan, trong bối cảnh hiện nay và căn cứ nhu cầu của các địa phương, nhiệm vụ, giải pháp công tác NGKT hỗ trợ địa phương giai đoạn tới tập trung các hoạt động:

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương hoàn thiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển của địa phương, của vùng. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương chưa có quy hoạch tỉnh hoàn thiện quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành thẩm định, rà soát các hoạch tỉnh vùng; hỗ trợ các địa phương đã có hoạch tỉnh tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hoạch tỉnh.

Tận dụng tối đa các kết quả của công tác đối ngoại cho phát triển địa phương, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao. Các địa phương cần cập nhật về nhu cầu của mình từ sớm để BNG tổng hợp, lồng ghép xây dựng nội dung làm việc của LĐCC, có cơ sở đề xuất tổ chức các hoạt động ở nước ngoài nhân dịp chuyến thăm cấp cao, nhất là các hoạt động quảng bá đất nước kết hợp quảng bá địa phương, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, quảng bá văn hóa, du lịch.

Tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài, nhất là nguồn lực thế hệ mới phục vụ phát triển địa phương: vận động thu hút nguồn lực, vốn đầu tư FDI xanh, ODA xanh, tạo các động lực tăng trưởng mới về công nghệ cao, giao thông xanh, năng lượng xanh, sản xuất xanh giúp tăng cường hợp tác đầu tư, kết nối, giới thiệu các Quỹ đầu tư, Quỹ xanh quốc tế tới các địa phương; tìm hiểu, thông tin về các tiêu chuẩn, định hướng đầu tư của các Quỹ để tham mưu các địa phương lựa chọn dự án hợp tác phù hợp.

Tăng cường năng lực công tác NGKT tại địa phương: tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, tận dụng hiệu quả trang NGKT trực tuyến; thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu, phổ biến về các xu hướng mới, các Chứng chỉ xanh, đầu tư xanh, chuyển đổi năng lượng xanh… với sự tham gia của các đối tác, tổ chức phát triển, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài… mời các địa phương tham gia theo nhóm hoặc vùng.

"Trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư, "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài

Là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, tỉnh tiếp tục kế thừa và phát huy chủ trương “trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư, "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài của tỉnh Sông Bé cũ. Trong hành trình này, đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài tại tỉnh.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Sơn)

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Sơn)

Trong những điểm nhấn hội nhập quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của địa phương có thể kể đến như: Chính quyền và doanh nghiệp đồng hành trong triển khai thực hiện công tác hội nhập quốc tế; Đa dạng các hoạt động ngoại giao kinh tế; Kết nối hiệu quả đối ngoại song phương, đa phương; Kết nối hiệu quả đối ngoại nhân dân và công tác ngoại giao văn hóa.

“Những hoạt động đối ngoại đa dạng, phong phú và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế nêu trên góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương. Thu hút FDI gấp hơn 30 lần về số vốn và số dự án so với năm 1997. Lũy kế đến ngày 30/11, toàn tỉnh hiện có hơn 4.200 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40,3 tỷ USD, đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngòa”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương dẫn chứng.

Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, ông Minh cho rằng, tỉnh tiếp tục triển khai một số định hướng phát triển phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như:

Thứ nhất,tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, phối hợp đồng bộ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các quy hoạch vành đai công nghiệp, vành đai đô thị, dịch vụ gắn với vành đai giao thông, phát triển công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp thế hệ mới, phát triển các đô thị theo mô hình TOD và mô hình Khu liên hợp Công nghiệp – đô thị - dịch vụ. Quan tâm công tác quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối vùng, trong đó phục vụ nhu cầu cho nhà đầu tư như các tuyến đường vành đai, tuyến đường sắt và ga hàng hóa hậu cần, …

Thứ ba, tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng văn hóa - thể thao - y tế - giáo dục – khoa học công nghệ cùng với tập trung quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong vùng, hình thành các trường Đại học chất lượng cao phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng của tỉnh Bình Dương cũng như vùng Đông Nam Bộ.

Thành công của Hạ Long đến từ sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ lâu dài

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc (Đông Bắc Á).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Sơn)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Sơn)

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa; lấy người dân làm trung tâm, định hình rõ nét những giá trị cốt lõi, riêng có, giàu bản sắc văn hóa của địa phương với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Với địa hình đa dạng được phân bổ hợp lý, có miền núi, trung du, đồng bằng, biên giới, hải đảo; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng bền vững; đặc biệt có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và trên 600 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 57 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 89 di tích xếp hạng cấp tỉnh... là những điều kiện thuận lợi để Tỉnh lựa chọn tăng trưởng xanh cho mục tiêu phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc biệt, ngày 16/9, tại thủ đô Ryiad, Saudi Arabia, ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 phê duyệt mở rộng sang Quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng. Sự kiện này đã đưa vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới đầu tiên ở Việt Nam có ranh giới nằm trên địa phận hai tỉnh.

"Sự thành công của hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà vào Danh mục Di sản thế giới là thành quả của những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian dài của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, của cộng đồng và trên hết là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ; sự tư vấn chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chuyên gia trong nước và quốc tế về di sản, và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO trong việc hoàn thiện và vận động hồ sơ đề cử.

Tỉnh Quảng Ninh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và hướng dẫn của các Bộ, ngành trong thời gian tới để tỉnh có thể quản lý và bảo vệ nguyên trạng Giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của khu di sản", ông Khắng nhấn mạnh.

NGVH đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao khẳng định, tại Việt Nam, ngoại giao văn hóa (NGVH) đã trở thành một yếu tố chiến lược của “quyền lực mềm”, được đưa vào chiến lược quốc gia như đòn bẩy quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, những tiến bộ về môi trường và công nghệ.

Nhận định về những đóng góp của NGVH đối với phát triển bền vững địa phương, ông Hoàng Hữu Anh cho rằng, công tác NGVH góp phần thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.

Các hoạt động NGVH được các bộ, ngành kết hợp chặt chẽ với các địa phương, CQĐD Việt Nam ở nước ngoài triển khai ở diện rộng về địa bàn. Trong 10 năm qua, NGVH kết hợp chặt chẽ với NGKT trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của các bộ, ngành, địa phương nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch; có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và hòa hợp.

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Anh Sơn)

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Anh Sơn)

Về góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa,Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài tích cực giới thiệu những nét đẹp tiêu biểu của con người Việt Nam thông qua các chương trình, đề án, khuôn khổ vinh danh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, qua đó để bạn bè quốc tế hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp, những tư tưởng tiến bộ, nhân văn của Việt Nam.

Hàng năm, mạng lưới 94 CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và 2 Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào tích cực triển khai Chiến lược NGVH với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu về văn hóa, môi trường kinh tế thuận lợi nhằm thu hút du lịch, vốn đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế địa phương.

Về công tác tham mưu lồng ghép các hoạt động NGVH vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, Bộ Ngoại giao đã góp phần định hướng, lồng ghép triển khai NGVH vào các chiến lược, đề án, quy hoạch phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước, trong đó đặt trọng tâm vào việc bảo tồn và phát huy một cách bền vững các danh hiệu di sản. Hàng năm, các địa phương đều xây dựng kế hoạch và tổng kết về việc triển khai công tác NGVH tại địa phương mình.

Các địa phương cũng đã chủ động kết nối, hợp tác với các tổ chức quốc tế (như JICA - Nhật Bản, Quỹ Ford - Mỹ...) phối hợp nghiên cứu hỗ trợ trùng tu các di tích ở địa phương mình.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương vận động UNESCO công nhận 63 danh hiệu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam. Một số địa phương như Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông... đã thành công trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên việc khai thác các thế mạnh về danh lam thắng cảnh và các di sản văn hóa, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận.

Các danh hiệu và sự ghi nhận khác nhau của UNESCO đã làm đậm hơn hình ảnh Việt Nam trên bản đồ di sản, văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời góp phần quảng bá danh lam thắng cảnh, đa dạng sinh học, văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Từ năm 2021-2023, Bộ Ngoại giao thúc đẩy, hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược NGVH đến năm 2030 và thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược: Đến nay đã có 45 địa phương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược.

Về kiến nghị để công tác NGVH đạt hiệu quả hơn, ông Hoàng Hữu Anh cho rằng, trong giai đoạn mới, công tác NGVH cần được nhìn nhận kỹ hơn trong bối cảnh chung của quốc tế, khu vực và các điều kiện trong nước. Các quốc gia ngày càng chú trọng sử dụng các phương thức “mềm” trong đó có NGVH làm công cụ để một mặt tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, góp phần phục vụ phát triển đất nước; mặt khác tạo sự đồng thuận, gắn kết và củng cố niềm tin giữa các nước làm tiền đề vững chắc cho hợp tác quốc tế. Công tác NGVH đến năm 2030 của nước ta cần đặt trọng tâm ưu tiên NGVH phục vụ phát triển kinh tế, song song với đó chú trọng NGVH phục vụ bảo vệ môi trường bền vững và phát huy gắn kết xã hội.

“Từ kết quả thực tiễn triển khai công tác NGVH, có thể khẳng định rằng NGVH đóng vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. NGVH không chỉ giúp tạo dựng hình ảnh tích cực về Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh địa phương mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao vị thế uy tín của đất nước, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống”, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao khẳng định.

Mỗi người Hà Tĩnh ở nước ngoài là một “Đại sứ Văn hóa”

Trao đổi về kinh nghiệm kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển địa phương, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn thông tin, hiện có khoảng 85.000 người đang học tập, công tác, sinh sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều trí thức, chuyên gia có trình độ cao, các doanh nghiệp, doanh nhân trên các lĩnh vực.

Với phương châm mỗi người Hà Tĩnh ở nước ngoài là một “Đại sứ Văn hóa”, cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước ngoài ngày càng ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống quê hương Hà Tĩnh, gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong lòng xã hội ở nước sở tại.

“Nhiều kiều bào trí thức của Hà Tĩnh đã đóng góp quan trọng công sức, trí tuệ trong xây dựng và bảo vệ hồ sơ di sản văn hóa của Hà Tĩnh trình được UNESCO công nhận. Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân người Hà Tĩnh ở nước ngoài cũng có nhiều đóng góp quan trọng, chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho công cuộc xây dựng đất nước nói chung và tỉnh nói riêng về những vấn đề được quan tâm như việc phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, tiến trình chuyển đổi năng lượng...”, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn trao đổi về kinh nghiệm kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển địa phương. (Ảnh: Anh Sơn)

Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn trao đổi về kinh nghiệm kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển địa phương. (Ảnh: Anh Sơn)

Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển xây dựng quê hương, đất nước, ông Sơn đề xuất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.

Tiếp đó, chú trọng công tác nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng cơ chế chính sách, đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút, vận động cộng đồng NVNONN nói chung và các trí thức, doanh nhân giỏi về Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư, giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm...

Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và sở tại để hỗ trợ cộng đồng NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc cập nhật thông tin, kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để các địa phương có nhiều cơ hội tiếp cận, gặp gỡ kiều bào ở nước ngoài, nhất là kiều bào tiêu biểu qua đó quảng bá, giới thiệu và kêu gọi thu hút đầu tư.

Ngoài ra, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác NVNONN cho cán bộ chuyên trách ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 - 2030" bằng nhiều hình thức hiệu quả, thiết thực và truyền thụ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam cho các thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết thế hệ trẻ NVNONN với trong nước.

4 đề xuất giúp giải quyết hiệu quả tình trạng mua bán người

Thông tin về tình trạng mua bán người tại các nước Đông Nam Á, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giaoPhan Thị Minh Giang dẫn Báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho thấy, hoạt động của tội phạm mua bán người tại Đông Nam Á chủ yếu tại các đặc khu kinh tế, có liên quan đến các tụ điểm giải trí bất hợp pháp, sòng bạc, khách sạn ở Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Malaysia, trong những tòa nhà tổ hợp nơi mà nạn nhân bị giam giữ và bị ép thực hiện hành vi phạm tội.

Phương thức, thủ đoạn là tuyển dụng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội; quá trình tuyển dụng thoạt nhìn có vẻ hợp pháp; yêu cầu nộp tiền chuộc nếu nạn nhân muốn tự do; bán đi bán lại nạn nhân giữa các cơ sở làm việc để thu lợi nhuận; ép buộc nạn nhân phải tham gia các nền tảng tiền điện tử gian lận bằng các hình thức lừa đảo; gia tăng sử dụng bạo lực và lạm dụng nạn nhân; thu giữ giấy tờ và điện thoại…

Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Phan Thị Minh Giang đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng mua bán người, lừa đảo công dân sang lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Anh Sơn)

Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Phan Thị Minh Giang đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng mua bán người, lừa đảo công dân sang lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Anh Sơn)

Tội phạm mua bán người có mối liên hệ chặt chẽ với các tội phạm xuyên quốc gia khác như tội phạm mạng, rửa tiền, gian lận, tham nhũng, tống tiền, thu về siêu lợi nhuận thông qua ngành công nghiệp sòng bạc và các ngành nghề kinh doanh khác, trong đó có tiền điện tử.

Nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng mua bán người, lừa đảo công dân sang lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Phó Cục trưởng Phan Thị Minh Giang đã đưa ra một số đề xuất:

Một là, tăng cường quản lý cư trú, xuất cảnh của công dân, đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu, tạo việc làm cho thanh niên ở các địa phương, tuyên truyền hơn nữa về những cạm bẫy của việc nhẹ lương cao và những thủ đoạn của tội phạm mua bán người nhằm mục đích cưỡng ép thực hiện hành vi phạm tội.

Hai là, phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể tại cơ sở, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong việc tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức cho thanh niên về việc làm an toàn, di cư an toàn, phòng ngừa nguy cơ mua bán người.

Ba là, rà soát, quản lý số người đã về nước từ các tổ hợp lừa đảo trong khu vực để tiến hành phỏng vấn, xác định các trường hợp có dấu hiệu bị mua bán để chuyển tuyến đến các cơ quan liên quan hỗ trợ theo quy định và góp phần vào điều tra, truy tố các đường dây đưa người, mua bán người.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực và các bên có liên quan trong phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người ở các cấp độ khác nhau; thúc đẩy ASEAN giải quyết vấn đề này trong cơ chế SOMTC và thông qua hợp tác với các bên có liên quan theo tinh thần Đối thoại cấp cao diễn ra vào ngày 28/6/2023.

Nhóm PV-TGVN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truc-tuyen-day-manh-cong-tac-doi-ngoai-va-hoi-nhap-quoc-te-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-cua-cac-dia-phuong-trong-tinh-hinh-moi-254297.html