Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp tại các trường THPT

Những ngày này, cùng với việc hoàn thành chương trình giáo dục năm học và tiến hành ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, các trường THPT trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh nhằm giúp các em có sự lựa chọn hướng đi tiếp phù hợp với năng lực và mục tiêu tương lai đảm bảo hiệu quả thiết thực.

Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Trước thực tế nhiều học sinh không nắm được điểm mạnh, điểm yếu và năng lực của bản thân, hoặc không nắm được những kiến thức về ngành nghề mình chọn, dẫn tới tình trạng ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ hoặc chọn sai ngành nghề, các nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, nhất là hình thức tư vấn hướng nghiệp dễ hiểu, dễ tiếp cận, giúp học sinh hiểu đúng năng lực, sở thích, từ đó xác định đúng định hướng nghề nghiệp.

Trường THPT Nguyễn Du (Nam Trực) nhiều năm qua đã linh hoạt tổ chức hoạt động hướng nghiệp theo chương trình GDPT mới như: Tổ chức dạy học theo tiết, tổ chức hoạt động theo khối, tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế theo sở thích (tại các di tích lịch sử, trường đại học, làng nghề, nhà máy, xí nghiệp), nhằm giúp các em khám phá năng lực bản thân, hiểu được sở trường và hiểu biết về các ngành nghề, từ đó định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho bản thân. Ngoài việc thực hiện chương trình chính khóa, nhà trường tổ chức các câu lạc bộ (CLB) như CLB Truyền thông, CLB Văn hóa nghệ thuật, CLB Thiện tâm cho các học sinh có cùng sở thích hoạt động cùng nhau. Qua sinh hoạt CLB, học sinh xác định được sở trường, chia sẻ kiến thức, định hướng nghề nghiệp tương lai. Riêng với khối lớp 12, nhà trường phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động giới thiệu về các ngành nghề, phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng về du học, xuất khẩu lao động giới thiệu về cơ hội học và việc làm tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Cùng với triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh, Sở GD và ĐT về triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025”, trường xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp, chú trọng nội dung hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Nam Trực; hướng dẫn giáo viên xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giáo dục hướng nghiệp có nội dung tích hợp sát với thực tiễn, giúp học sinh hiểu được xu thế lao động, ngành nghề trong tương lai, đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, công nghệ AI,...

Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ: “Các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhà trường tổ chức đã giúp đa số học sinh lớp 12 chúng em xác định được định hướng sau khi tốt nghiệp THPT, nhưng bên cạnh đó vẫn có bạn chưa có định hướng và tìm hiểu kỹ về ngành học phù hợp. Do vậy, chúng em mong tiếp tục nhận được sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể để lựa chọn được ngành học phù hợp nhất”.

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp về giáo dục hướng nghiệp, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Du đã hiểu và tự đánh giá được năng lực, năng khiếu, sở trường của bản thân; hiểu được các ngành nghề hiện tại trong xã hội. Với đặc điểm đa số học sinh của trường có lực học trung bình, trung bình khá, nhà trường có đã phân luồng rất cụ thể: Khoảng 10-20% học sinh sẽ tiếp tục học đại học, số còn lại sẽ học nghề ngay, xuất khẩu lao động hoặc có thể vừa học vừa làm. Năm học này, trường có 310 học sinh lớp 12, dự kiến có từ 80-100 học sinh tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, khoảng 200-250 học sinh lựa chọn học nghề.

Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) là đơn vị tiêu biểu về công tác hướng nghiệp cho học sinh. Cô giáo Trần Thị Thúy Mùi, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngay từ lớp 10, nhà trường đã tư vấn giúp học sinh xác định được năng lực của bản thân, lựa chọn các tổ hợp môn học phù hợp năng lực học tập và nghề nghiệp của mình trong tương lai. Các hoạt động hướng nghiệp được nhà trường liên tục triển khai định kỳ theo tháng nằm trong nội dung chương trình môn Hoạt động trải nghiệp hướng nghiệp đối với cả 3 khối, nhưng đặc biệt quan tâm hơn đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12. Năm học này, trường có 11 lớp 12 với tổng số 531 học sinh. Các chủ đề đã được triển khai thực hiện và dự kiến giáo dục cho học sinh khối 12 hướng đến định hướng nghề nghiệp như: “Tôi trưởng thành”; “Hoàn thiện bản thân”; “Nghề nghiệp và những yêu cầu đối với người lao động trong xã hội hiện đại”; “Rèn luyện phẩm chất năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp”; “Quyết định lựa chọn nghề phù hợp và chuẩn bị tâm lý thích ứng với môi trường mới...”. Nhà trường còn kết hợp với các trung tâm giáo dục kỹ năng sống tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp, định vị bản thân. Gần đây nhất, chuyên gia tâm lý Nguyễn Duy Nhiên, Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có buổi tư vấn cho học sinh toàn trường với chủ đề: “Định vị bản thân”; cựu học sinh Nguyễn Thị Minh Thu chia sẻ về chặng đường xây dựng ước mơ và lựa chọn nghề nghiệp để thành công. Dự kiến, trong học kỳ II, nhà trường phối hợp các trường đại học tư vấn tuyển sinh cho học sinh. Nhiều học sinh đã chuẩn bị sẵn hành trang cho mình IELTS từ 7.0 đến 8.0 và đã tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học, kỳ thi học sinh giỏi của Đại học Quốc gia… đạt kết quả cao, tự tin giành các “xuất vé” vào thẳng trường đại học yêu thích. Hiện tại, căn cứ nguyện vọng học sinh, trường đã có được dự kiến về số học sinh học tiếp lên đại học, đi du học nước ngoài hay học nghề.

Để đạt được mục tiêu Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ và Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2025” của tỉnh, ngành GD và ĐT, các nhà trường đang tích cực triển khai các giải pháp hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo giáo viên xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giáo dục hướng nghiệp có nội dung tích hợp sát thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; phối hợp các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh; hướng nghiệp phân luồng cho học sinh thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM... Tổ chức tư vấn chọn ngành nghề phù hợp thông qua các tiết học, qua sinh hoạt lớp, các chuyên đề đầu tuần, các buổi hội thảo giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc chọn nghề; những nguyên nhân chọn nghề không đúng và các yếu tố cần có để chọn đúng nghề, hoặc thông tin các ngành học thu hút nguồn nhân lực trong tương lai. Bên cạnh đó, các em cũng được trao đổi với chuyên gia tư vấn về kiến thức, kỹ năng chọn đúng ngành nghề phù hợp. Với những nỗ lực đó, trung bình hàng năm, tỷ lệ học sinh Nam Định tốt nghiệp THPT không học tiếp đại học, cao đẳng và có bằng đào tạo nghề đạt từ 14,6-17%. 100% học sinh lớp 11 THPT được học nghề theo quy định.

Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy, để làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp, cần thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được quy định trong chương trình. Hình thành các CLB phù hợp nguyện vọng, sở thích, sở trường của học sinh và tổ chức hiệu quả hoạt động các CLB này. Phối hợp các lực lượng ngoài nhà trường (trường đại học, doanh nghiệp, công ty du học, xuất khẩu lao động, người có ảnh hưởng xã hội...) để hướng nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh để cung cấp thông tin về giáo dục hướng nghiệp, giúp phụ huynh hiểu được vai trò, tầm quan trọng của gia đình trong hướng nghiệp cho con em.

Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp giúp học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, hướng đi phù hợp năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/day-manh-cong-tac-huong-nghiep-tai-cac-truong-thpt-a1a5d0d/