Luật Giáo dục Đại học cần thích ứng với sự thay đổi

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Luật Giáo dục cần thay đổi, phải thể chế hóa được những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thích ứng với sự thay đổi, có căn cứ nền tảng vững chắc và lâu dài.

Luật Giáo dục Đại học cần thích ứng với sự thay đổi và có tính lâu dài. Ảnh: TTXVN

Luật Giáo dục Đại học cần thích ứng với sự thay đổi và có tính lâu dài. Ảnh: TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn, đây không chỉ là thách thức, mà là cơ hội lớn để tháo gỡ những bất cập trong hệ thống. Đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách mới có tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, giai đoạn mà con người là trọng yếu và trung tâm trong sự phát triển, giai đoạn của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là vô cùng quan trọng, là cơ hội để phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu của phát triển đất nước.

Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) số 08/2012/QH13; Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH thời gian qua đã đã có nhiều chuyển biến, mang lại thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, tự chủ đại học được triển khai thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, Luật GDĐH cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hệ thống cơ sở GDĐH với 264 cơ sở, 2,3 triệu sinh viên, tỷ lệ 230 sinh viên/ vạn dân, tỷ trọng tư thục tăng từ 18,8% đến 22%. Trong đó, có 167/171 trường đại học công lập có Hội đồng trường, giảng viên toàn thời gian hơn 91.000, trong đó trên 33% có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật GDĐH đã không còn phù hợp so với yêu cầu thực tiễn.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, xây dựng Luật GDĐH trên nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển GDDH; phù hợp Hiến pháp, kế thừa và khắc phục vướng mắc pháp lý trong thực tế; tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng, phục vụ cộng đồng; khuyến khích xã hội hóa, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số; tiếp cận xu thế quốc tế, phát triển giáo dục mở, học tập suốt đời.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/luat-giao-duc-dai-hoc-can-thich-ung-voi-su-thay-doi-20250402164509730.htm