Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Sáng 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Phiên toàn thể được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đối với ngành ngoại giao trong thời gian qua đã khẳng định sự coi trọng cũng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng. Trong thành tựu chung to lớn của đối ngoại, có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế.

Có thể khẳng định ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ rộng khắp các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đóng góp quan trọng vào tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay. Việt Nam đến nay là nền kinh tế lớn thứ 11 châu Á, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là một trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng nấc, trong đó đã ký 16 FTA bao trùm tất cả các nền kinh tế chủ chốt của thế giới.

Trên tinh thần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá triển vọng kinh tế thế giới, xu thế đầu tư của các nước lớn và tác động đến kinh tế Việt Nam; trao đổi kinh nghiệm tranh thủ các hiệp định thương mại tự do ở địa phương để tăng tốc xuất khẩu; tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng như vai trò ngành Ngoại giao trong kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu; đề xuất các giải pháp thu hút nguồn lực nước ngoài phục vụ các khâu đột phá chiến lược; làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế với các nước và tranh thủ các sáng kiến mới cho phát triển hạ tầng chiến lược...

Cùng đó đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế.

Đồng chí Mai Sơn dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Mai Sơn dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang nổi lên là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh thu hút được 4,46 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 40% tổng vốn FDI thu hút lũy kế từ trước đến nay, luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút FDI (năm 2022 đứng thứ 9; năm 2023 đứng thứ 4). Tính đến nay, có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bắc Giang.

Công tác xúc tiến thương mại được tỉnh đặc biệt quan tâm, đi vào thực chất và mang lại hiệu quả cao như: Xây dựng bộ tài liệu bằng clip và hình ảnh mô tả, quảng cáo sản phẩm chuyên biệt về đặc sản Bắc Giang (vải thiều, mỳ Chũ) bằng tiếng Anh, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc... Quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổ chức nhiều hội nghị, buổi làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 19,4%. Từ cuối năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 12.388 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 đứng thứ 2, năm 2023 đứng thứ nhất cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 có sự thăng tiến vượt bậc, đứng thứ 2/63 tỉnh, TP trong cả nước (tăng 29 bậc so với năm 2021)…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được trong công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tích cực, hiệu quả. Nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế phù hợp. Kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Học tập phương thức quản trị hiện đại, quản trị nguồn nhân lực. Hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập. Bám sát điều kiện thực tế để làm những việc người dân, doanh nghiệp cần. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết luật pháp và có tâm, có tầm.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Năm 2024 sẽ có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, do đó công tác ngoại giao cần phải có sự chủ động, sát tình hình mới; có tầm nhìn chiến lược. Tiếp tục thể chế hóa đường lối đối ngoại của Đảng, tập trung vào các khâu trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ các khó khăn, thách thức cần tháo gỡ. Hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn và tổ chức thực hiện tốt. Cần linh hoạt, chủ động, mạnh mẽ để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng. Phát huy tính tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương...

Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/416783/day-manh-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc.html