Đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh lao
Ở Hà Nam, mỗi năm phát hiện từ 700 - 800 bệnh nhân lao mới với mọi thể, trong đó có từ 300 - 400 bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn... Trước thực trạng này, công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh đã và đang được tích cực thực hiện.
Dù có thể phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh lao đã có từ hơn 50 năm, nhưng hiện nay bệnh lao vẫn còn là một trong những trở ngại lớn cho phát triển kinh tế- xã hội vì 75% người mắc lao nằm trong nhóm lao động chủ yếu của xã hội. Trên thế giới, mỗi ngày vẫn còn hơn 4.100 người tử vong và gần 30.000 người mắc căn bệnh này. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), năm 2023, Việt Nam xếp thứ 12 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và xếp thứ 10 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng. Tại Việt Nam, bình quân mỗi năm phát hiện mới 182.000 người mắc bệnh lao; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và 11.000 người chết do bệnh lao. Ở Hà Nam, mỗi năm phát hiện từ 700 - 800 bệnh nhân lao mới với mọi thể, trong đó có từ 300 - 400 bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn... Trước thực trạng này, công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh đã và đang được tích cực thực hiện và đẩy mạnh.
Hiện nay, mạng lưới phòng, chống lao của tỉnh được bao phủ rộng khắp. Ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có quy mô 100 giường bệnh với chức năng khám, điều trị bệnh nhân lao và bệnh phổi; chỉ đạo hoạt động Chương trình chống lao trên địa bàn tỉnh. Còn ở tuyến huyện có 7 tổ chống lao tại 6 huyện, thành phố, thị xã và 1 tổ tại Trại giam Nam Hà. Tuyến xã có cán bộ phụ trách công tác chống lao ở 100% xã, phường, thị trấn.

Bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tư vấn phòng, chống lao cho người dân.
Năm 2024, hệ thống chống lao trên toàn tỉnh tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh phát hiện tích cực và phát hiện chủ động bệnh lao, với sự tham gia của hệ thống y tế cơ sở; triển khai tăng cường xét nghiệm Gene-xpert (xét nghiệm bệnh lao phổ biến hiện nay) cho người nghi lao... giúp tăng đáng kể số bệnh nhân có bằng chứng vi khuẩn so với năm 2023. Cũng trong năm 2024, toàn tỉnh phát hiện tổng số 687 bệnh nhân lao với 395 ca phát hiện mới, 36 ca tái phát, 7 ca điều trị lại, 170 ca lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn và 79 ca lao ngoài phổi; trong đó, tỷ lệ điều trị thành công là 96%, tỷ lệ khỏi của bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 93,9% (cao hơn so với cùng kỳ năm 2023), tỷ lệ hoàn thành điều trị là 2,0% (thấp hơn so với 2023).
Bên cạnh đó, Hà Nam cũng duy trì hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho 100% bệnh nhân lao phát hiện; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa Chương trình chống lao và Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Số bệnh nhân lao xét nghiệm HIV năm 2023 là 729/758 bệnh nhân, qua đó phát hiện 8 bệnh nhân mắc HIV; năm 2024, xét nghiệm HIV 635/668 bệnh nhân mắc lao, qua đó phát hiện 4 người mắc HIV. 100% bệnh nhân lao được phát hiện mắc HIV được điều trị thuốc ARV. Các đơn vị chức năng cũng triển khai đầy đủ các hoạt động về lao trẻ em như: chẩn đoán, quản lý điều trị, quản lý trẻ tiếp xúc và điều trị lao tiềm ẩn; thực hiện các quy trình chẩn đoán lao trẻ em theo đúng hướng dẫn... Do đó, tỷ lệ ca lao trẻ em/tổng số bệnh nhân lao phát hiện năm 2023 là 7/758 ca, năm 2024 là 9/668 ca.
Ngành Y tế tỉnh cũng thực hiện quy trình chẩn đoán, quản lý điều trị lao kháng thuốc. Năm 2023, số bệnh nhân lao kháng đa thuốc được phát hiện là 20 ca, tỷ lệ điều trị khỏi là 58,3%. Năm 2024, phát hiện 5 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, tỷ lệ điều trị khỏi là 66,7%. Hệ thống chống lao toàn tỉnh đã thực hiện sàng lọc 9.300 người, qua chụp phim có tổn thương nghi lao 793 trường hợp. Tổng số xét nghiệm Gene- Xpert là 750 ca, số có vi khuẩn lao là 89 trường hợp. Tổng số bệnh nhân lao thu nhận và điều trị 130 ca. Công tác giám sát được quan tâm. Số chuyến giám sát từ tỉnh tới huyện là 16 chuyến (8/8 đơn vị được giám sát); giám sát từ huyện tới xã thực hiện 1 quý/lần/xã; giám sát từ xã đến bệnh nhân 1 tháng/ lần; thực hiện giám sát online.
Sự kết hợp y tế công - tư (PPM) trong công tác chống lao là một trong những yếu tố quan trọng để tiến tới mục tiêu cơ bản thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Hà Nam đã triển khai hoạt động PPM từ năm 2017, với mục tiêu tăng tỷ lệ phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao, hạn chế lây truyền, không bỏ sót bệnh nhân ngoài cộng đồng. Hiện nay, việc thực hiện PPM trong Chương trình chống lao tại tỉnh chủ yếu thực hiện theo mô hình 1- phối hợp khám, phát hiện, tư vấn, giới thiệu và chuyển người nghi lao tới các cơ sở y tế thuộc mạng lưới chống lao... qua đó, đã khuyến khích các phòng khám, nhà thuốc tư và các cơ sở y tế ngoài hệ thống phòng, chống lao chuyển người bệnh có dấu hiệu nghi mắc lao tới các cơ sở chuyên khoa lao để được chẩn đoán và điều trị. Năm 2024, PPM đóng góp 26,6% vào tổng số bệnh nhân lao phát hiện trên toàn tỉnh năm 2024.

Bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh lao cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Qua giám sát tại cơ sở của các đơn vị chức năng cho thấy, nhân lực chống lao tuyến huyện, xã thiếu và hay thay đổi, không có kinh phí cho hoạt động giám sát; tỷ lệ xét nghiệm đờm phát hiện bệnh nhân lao còn rất thấp tại nhiều huyện; số mẫu xét nghiệm Xpert chỉ định còn thấp. Bên cạnh đó, việc cấp thuốc lao nguồn BHYT cho người bệnh lao có nơi tại xã, có nơi tại huyện gây khó khăn cho công tác quản lý điều trị; nhiều trạm y tế không nắm được bệnh nhân để quản lý; hoạt động lao tiềm ẩn còn chưa triển khai thường xuyên tại các cơ sở y tế. Hơn thế, nhận thức của người dân về bệnh lao còn hạn chế, còn mặc cảm về bệnh tật, nhiều bệnh nhân khám phát hiện ra bệnh nhưng vẫn tiếp tục đi khám nhiều cơ sở khác gây chậm trễ trong điều trị, hoặc từ chối điều trị; cơ chế tự chủ tại các đơn vị y tế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống lao.
Để thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030, Hà Nam đã đặt ra mục tiêu: giai đoạn 2025-2030 phấn đấu giảm mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân; giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lao còn dưới 1,5% trong tổng số bệnh nhân lao mới phát hiện; giảm số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc còn dưới 1,5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện... Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế; tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở đối với hoạt động phòng chống lao, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, chất lượng trong Chương trình chống lao. Đồng thời, tăng cường áp dụng chiến lược 2X (xquang, xpert) trong phát hiện chủ động bệnh nhân lao cũng như trong chẩn đoán lao kháng thuốc và tiền siêu kháng; tăng cường sàng lọc lao tiềm ẩn trong nhóm tiếp xúc và nguy cơ cao. Cùng với đó, duy trì chất lượng hoạt động thường quy tại các tuyến, lồng ghép trong các hoạt động chung của hệ thống y tế; tiếp tục triển khai mô hình PPM trong phòng, chống lao; tăng cường phối hợp với các cơ sở nhi khoa trong phát hiện, chẩn đoán ca bệnh lao trẻ em; duy trì hoạt động giám sát thường quy tại các tuyến cơ sở góp phần duy trì và củng cố mạng lưới chống lao. Mặt khác, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, tránh sự mặc cảm, kỳ thị; bảo đảm chất lượng quản lý điều trị, tăng cường xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/y-te/day-manh-cong-tac-phong-chong-benh-lao-154801.html