Đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy và tội phạm ở khu vực biên giới

Tội phạm ma túy đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, tại khu vực biên giới (KVBG), nơi địa hình hiểm trở, dân cư phân tán, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tội phạm ma túy càng có điều kiện lợi dụng để tổ chức các đường dây, tụ điểm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Vì vậy, công tác phòng, chống ma túy và tội phạm nói chung, nhất là ở KVBG, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An phối hợp tuần tra chung với lực lượng bảo vệ biên giới Lào. Ảnh: Duy Khiêm

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An phối hợp tuần tra chung với lực lượng bảo vệ biên giới Lào. Ảnh: Duy Khiêm

Lực lượng BĐBP với vai trò chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia không chỉ tổ chức tuần tra, kiểm soát biên giới, phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm tội, mà còn phối hợp chặt chẽ với Công an, Hải quan và các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương điều tra, triệt phá nhiều chuyên án, vụ án, ngăn chặn hiệu quả các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa tội phạm ma túy của BĐBP tại KVBG được tổ chức đồng bộ, sáng tạo và gắn với đời sống đồng bào, nhằm xây dựng phòng tuyến vững chắc ngay từ cơ sở.

Cụ thể, BĐBP phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy tới các già làng, trưởng bản, người có uy tín và nhân dân biên giới. Đội ngũ làm công tác dân vận của BĐBP chú trọng tuyên truyền sâu rộng về tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, kêu gọi quần chúng không tham gia, không tiếp tay, không bao che tội phạm ma túy. Tuy nhiên, trong bối cảnh tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tổ chức chặt chẽ và có vũ trang, việc chỉ tập trung vào đấu tranh, bắt giữ là chưa đủ. Phương châm “phòng là chính” cần được quán triệt sâu sắc và thực hiện toàn diện. Phòng ngừa phải đi trước một bước, bao gồm cả phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.

Phòng ngừa xã hội là nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở KVBG về tác hại của ma túy; đồng thời tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng di cư tự do và những điều kiện phát sinh tội phạm. Phòng ngừa nghiệp vụ là tăng cường trinh sát, nắm chắc tình hình, sàng lọc, khoanh vùng và đấu tranh hiệu quả với các đối tượng nghi vấn ngay từ trong trứng nước.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, quyết liệt của lực lượng BĐBP và sự đồng lòng của nhân dân, công tác phòng, chống ma túy và tội phạm tại KVBG đang từng bước phát huy hiệu quả tích cực. Để đạt thắng lợi lâu dài và bền vững, phương châm “phòng là chính” cần tiếp tục được cụ thể hóa bằng các hành động thiết thực, nguồn lực đầy đủ và quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở.

Những năm qua, tình hình tội phạm tại KVBG, đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán người, tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh vi và có xu hướng gia tăng. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, dân trí không đồng đều và đời sống kinh tế khó khăn để hoạt động phạm pháp. Trước thực trạng đó, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm không thể chỉ dừng lại ở công tác bắt giữ, xử lý, mà cần đặt trọng tâm vào công tác phòng ngừa. Các đồn Biên phòng chính là lực lượng “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Với vai trò đặc thù, gần gũi và am hiểu địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trở thành những người lính tuyên truyền, “chiến sĩ văn hóa” nơi tuyến đầu Tổ quốc. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn tích cực tuyên truyền pháp luật, vận động người dân chấp hành kỷ cương, xây dựng khu dân cư an toàn, không có tội phạm.

Thông qua các mô hình như “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản”, “Tiếng loa Biên phòng”, “Ngày pháp luật vùng biên”, “Đội tuyên truyền văn hóa cơ động”..., các đồn Biên phòng đã làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Các chương trình an sinh xã hội như “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Bò giống giúp hộ nghèo” góp phần củng cố thế trận lòng dân - nền tảng quan trọng để đẩy lùi tội phạm từ gốc.

Hiện nay, tại KVBG, BĐBP xác định công tác tuyên truyền là công cụ quan trọng trong phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, để tuyên truyền hiệu quả, cần đổi mới toàn diện cả nội dung lẫn hình thức, bảo đảm phù hợp với trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay vì tuyên truyền khô cứng, một chiều, BĐBP đang đẩy mạnh các mô hình tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo như: Sân khấu hóa, chiếu phim lưu động, loa phát thanh bằng tiếng dân tộc, lồng ghép nội dung pháp luật vào lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng. Ứng dụng công nghệ, mạng xã hội để tuyên truyền cho thanh thiếu niên vùng biên cũng là hướng đi cần được quan tâm, đầu tư. Đặc biệt, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín - những “thủ lĩnh tinh thần” trong cộng đồng đã và đang được phát huy vai trò, lan tỏa thông điệp tích cực, tạo sự đồng thuận và chuyển hóa nhận thức thành hành động tự giác trong việc không tham gia, không tiếp tay cho tội phạm.

Năm 2024, BĐBP đã đấu tranh thành công 122 chuyên án, bắt giữ hơn 7.200 vụ/14.900 đối tượng, thu giữ hơn 2,1 tấn ma túy các loại. Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả phối hợp giữa BĐBP và lực lượng chức năng các nước láng giềng trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Sự hợp tác chặt chẽ này không chỉ góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại KVBG, mà còn thể hiện quyết tâm chung của các quốc gia trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy.

Hoàng Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-manh-cong-tac-phong-chong-ma-tuy-va-toi-pham-o-khu-vuc-bien-gioi-post489462.html