Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng
Rừng là một nguồn tài nguyên sinh thái đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Rừng là 'lá phổi xanh' điều hòa thời tiết, khí hậu. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được tỉnh Long An quan tâm thực hiện.
Bảo vệ sự đa dạng sinh thái rừng
Mùa khô năm 2024, nắng nóng kéo dài, mực nước trên kênh, rạch xuống thấp làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh ở mức độ cực kỳ nguy hiểm. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh tích cực phối hợp các chủ rừng triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng xảy ra.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng) là nơi sinh sống của hơn 150 loài thực vật; 148 loài chim gồm nhiều loài có tên trong Sách Đỏ; 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mekong như cá tra dầu, cá lóc bông, cá thát lát, cá linh,... Khu vực này có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 2.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm gần 1.200ha, chủ yếu là rừng tràm.
Do nắng nóng kéo dài làm cho các lớp thực bì khô dễ bắt lửa, mực nước trong các kênh, rạch xuống thấp, nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Trong khi đó, diện tích rừng được bố trí theo từng phân khu với diện tích từ 150-200ha, trường hợp xảy ra cháy sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn lửa.
Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Trương Thanh Sơn cho biết, nhằm ứng phó với nguy cơ cháy rừng, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen bố trí 4 chốt cùng 4 tháp canh lửa và lực lượng, phương tiện phục vụ công tác PCCR ở nhiều khu vực trọng yếu. Đơn vị cũng thường xuyên tuyên truyền người dân sống quanh khu vực nâng cao ý thức PCCR mùa khô; vận động 100% hộ dân trong khu vực ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí phương tiện PCCR, thường xuyên kiểm tra, vận hành máy chữa cháy chuyên dụng và phương tiện vận chuyển.
Tại Lâm trường Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, Ban Quản lý lâm trường cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, các tổ PCCR được thành lập gồm các thành viên lâm trường và người dân trong khu vực.
Ông Lê Anh Đạt, phụ trách Lâm trường Vĩnh Lợi, cho biết, lâm trường có hơn 1.100ha rừng tràm. Trong mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ngoài thành lập các tổ PCCR, tổ chức bảo vệ 24/24 giờ, đơn vị còn nạo vét kênh, rạch trong khu vực, trang bị thêm các thiết bị chuyên dụng,... nhằm chủ động ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Lê Hữu Lợi, thời gian qua, nắng nóng kéo dài, có thời điểm làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trên địa bàn lên mức độ cực kỳ nguy hiểm. Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024 nhằm chủ động ứng phó kịp thời các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra; bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Theo đó, chi cục phối hợp các đơn vị liên quan tập trung triển khai, yêu cầu các chủ rừng có trách nhiệm chủ động triển khai giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng như xây dựng đê bao giữ nước, các bến lấy nước chữa cháy tại các đập, kênh dẫn nước nội đồng bảo đảm phương tiện chữa cháy tiếp cận dễ dàng; xây dựng đường băng cản lửa.
Tổ chức lực lượng làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng, thực hiện nghiêm biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo cấp dự báo cháy rừng, từ cấp I (cấp thấp, ít có khả năng cháy rừng) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết khô, hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng). Các biện pháp chữa cháy rừng phải kịp thời, chính xác, khẩn trương, bảo đản an toàn cho người và phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Song song đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các địa phương, các đơn vị chủ rừng về an toàn PCCR và kiểm tra việc tổ chức triển khai, thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCR, khả năng huy động lực lượng, phương tiện khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 21.185ha rừng, trong đó, rừng đặc dụng hơn 1.833ha; rừng phòng hộ hơn 2.087ha; rừng sản xuất hơn 17.264ha. Rừng của tỉnh chủ yếu là cây tràm cừ; trong đó có hơn 50% diện tích đất rừng là của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và tự bỏ vốn trồng rừng sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng được tỉnh quan tâm thực hiện. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 17-CTr/TU, ngày 05/6/2017 về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh đều ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân sinh sống trong khu vực xung quanh rừng ký cam kết trách nhiệm về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Để PCCR, các trang thiết bị, phương tiện và công trình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm thực hiện, đầu tư. Hiện toàn tỉnh có khoảng 100 máy chữa cháy chuyên dụng với 1.679 cuộn vòi chữa cháy dài 33.580m, trong đó lực lượng kiểm lâm có 17 máy với 440 cuộn vòi chữa cháy; công an có 16 máy với 182 cuộn vòi chữa cháy; quân đội có 7 máy với 227 cuộn vòi chữa cháy; các địa phương có rừng có 15 máy với 102 cuộn vòi chữa cháy; các chủ rừng có 45 máy với 728 cuộn vòi chữa cháy và một số phương tiện, dụng cụ khác như máy bơm, máy ủi, thùng tưới nước, bình xịt, xuồng máy,...
Bên cạnh đó, công tác tổ chức lực lượng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được quan tâm thực hiện. Tính đến nay, toàn tỉnh đã củng cố, kiện toàn 65 Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với 918 thành viên. Trong đó, cấp tỉnh 1 ban chỉ đạo, 12 thành viên; cấp huyện 8 ban chỉ đạo, 105 thành viên; cấp xã 48 ban chỉ đạo, 742 thành viên; tổ chức, doanh nghiệp (chủ rừng) có 14 ban chỉ huy, 106 thành viên; đồng thời, xây dựng, kiện toàn 176 tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở và chủ rừng là 2.268 thành viên với nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, chữa cháy rừng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở thường xuyên chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh, ban chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng cùng với các ngành chức năng kiểm tra, rà soát việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; kết quả triển khai, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; khả năng phối hợp giữa các lực lượng, sử dụng phương tiện khi có cháy rừng xảy ra. Công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCR được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng và PCCR./.
Để PCCR, các trang thiết bị, phương tiện và công trình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm thực hiện, đầu tư. Hiện toàn tỉnh có khoảng 100 máy chữa cháy chuyên dụng với 1.679 cuộn vòi chữa cháy dài 33.580m, trong đó lực lượng kiểm lâm có 17 máy với 440 cuộn vòi chữa cháy; công an có 16 máy với 182 cuộn vòi chữa cháy; quân đội có 7 máy với 227 cuộn vòi chữa cháy; các địa phương có rừng có 15 máy với 102 cuộn vòi chữa cháy; các chủ rừng có 45 máy với 728 cuộn vòi chữa cháy và một số phương tiện, dụng cụ khác như máy bơm, máy ủi, thùng tưới nước, bình xịt, xuồng máy,...
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/day-manh-cong-tac-quan-ly-bao-ve-rung-a176178.html