Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Chiều 6/4, tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; các thành viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước dự hội nghị. Tại Hội nghị, nhiều nội dung cập nhật về tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được các thành viên Ủy ban đưa ra thảo luận, kiến nghị.
Tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí
Báo cáo tóm tắt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I, phương hướng, nhiệm vụ công tác quý II/2023, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông trong quý I/2023 về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022; cụ thể, giảm 428 vụ (tương đương 15,43%), giảm 258 người tử vong (tương đương 15,23%) và giảm 148 người bị thương (tương đương 8,57%).
Tình hình trật tự an toàn giao thông 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão cơ bản được bảo đảm. Số vụ và số người chết do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong dịp Tết giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quý I/2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, làm nhiều người tử vong, bị thương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình là 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Nam làm 19 người tử vong, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người tử vong.
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, nguyên nhân xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe, chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép… còn diễn ra khá phổ biến.
Thời gian tới, ông Khuất Việt Hùng đề nghị lực lượng chức năng các địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, kế hoạch năm An toàn giao thông 2023 của địa phương; ưu tiên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; chở hàng quá tải trọng quy định của phương tiện… Đối với các tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong quý I, ông Khuất Việt Hùng đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của địa bàn, lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng; cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ý thức người dân chưa cao
Tại Hội nghị, báo cáo về nguyên nhân xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, số người chết tăng cao trong quý I, giải pháp khắc phục trong quý II, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngay từ đợt cao điểm trước Tết, lực lượng chức năng tỉnh triển khai quyết liệt công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tất cả các tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt... tới các cấp, các ngành. Tuy nhiên, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vẫn gia tăng với 57 vụ, 58 người tử vong và 43 người bị thương; tăng cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022; trong số này có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm 19 người tử vong, bị thương 25 người.
Theo ông Lê Trí Thanh, các vụ tai nạn thường xảy ra trên các tuyến quốc lộ, khu vực đồng bằng, quốc lộ miền núi và tỉnh lộ ở khung giờ từ 23 giờ đến 4 giờ. Qua điều tra, nguyên nhân cơ bản trước hết là do ý thức của người trực tiếp điều khiển phương tiện. Trong 4 vụ nghiêm trọng, có 2 vụ chở người quá quy định, quá tốc độ và đi vào đường cấm; 1 vụ có sử dụng rượu bia và 1 vụ do mất phanh. Khoảng 21% các vụ tai nạn xảy ra trong quý I tại tỉnh Quảng Nam là do lái xe sử dụng rượu bia, đi sai làn đường, chiếm hơn 15%. Lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức ra quân và xử lý rất nhiều các trường hợp vi phạm sử dụng nồng độ cồn; tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Ông Lê Trí Thanh lý giải thêm nguyên nhân gia tăng tai nạn, đó là do địa bàn tỉnh Quảng Nam nằm ở khu vực có số lượng lớn các phương tiện lưu thông, qua lại. Khi đến địa bàn Quảng Nam thường vào khung giờ khuya hoặc sáng sớm nên đường vắng, dẫn đến tâm lý chủ quan. Một số tuyến đường lên Tây Nguyên, các tuyến đường quốc lộ, đường Hồ Chí Minh nếu trời mưa sẽ rất trơn, dễ xảy ra tai nạn. Khu vực phía Đông tỉnh Quảng Nam có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc, nhiều đường tắt, đường ngang, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, ông Lê Trí Thanh thừa nhận, có một nguyên nhân chủ quan là công tác tuyên truyền về ý thức tham gia giao thông của địa phương còn hạn chế nhất định. Công tác tổ chức các lực lượng điều tiết giao thông chưa phù hợp, chưa đáp ứng với yêu cầu về mật độ tham gia giao thông tại địa phương.
Ông Lê Trí Thanh kiến nghị mở rộng 39 km trong số 89 km quốc lộ 1A đi qua tỉnh Quảng Nam do chưa có hàng rào phân cách cho phương tiện thô sơ tham gia giao thông. Đồng thời, bổ sung các đèn cảnh báo, biển hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể trên các tuyến đường; nghiên cứu phần mềm về giám sát lưu lượng xe; bổ sung các rào chắn đường sắt, hệ thống giám sát hành trình; cảnh báo điểm đen…
Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn với máy bay trực thăng Bell 505
Báo cáo nhanh về vụ tai nạn xảy ra đối với máy bay trực thăng Bell 505 mang số đăng ký quốc tịch VN8650 tại Khu đô thị Hạ Long chiều 5/4/2023, ông Hồ Minh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: Máy bay trên thực hiện chuyến bay cất cánh từ bãi đỗ Tuần Châu lúc 16 giờ 56 phút ngày 5/4 để thực hiện chuyến bay ngắm cảnh trong vòng 10 phút ngắm Vịnh Hạ Long.
Vào thời điểm kết thúc chuyến bay là 17 giờ 5 phút cùng ngày, Chỉ huy bãi và Chỉ huy chuyến bay không nhận được liên lạc của người lái nên đã báo cáo về Sở chỉ huy của Công ty Trực thăng miền Bắc. Vào khoảng 17 giờ 25 phút, Chỉ huy bãi nhận được thông tin từ người dân, tàu bay đã gặp tai nạn. Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Tổng công ty Trực thăng miền Bắc đã báo cáo Binh đoàn 18 Bộ Quốc phòng, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam.
Các đơn vị đã triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn đối với tổ bay và tàu bay. Hiện nay, lực lượng chức năng cơ bản đã xác định được điểm rơi của máy bay trên. Qua công tác tìm kiếm cứu nạn cũng đã thu thập được các mảnh vỡ và thi thể 4 người. Hiện, công tác tìm kiếm cứu nạn đang được tiếp tục triển khai.
Trực thăng Bell 505 được nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tìm kiếm cứu nạn bay, ngắm cảnh, du lịch vào năm 2018. Hiện nay, Công ty Trực thăng miền Bắc - doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) đang khai thác hai tổ bay Bell 505, số đăng ký là VN 8650 và VN 8651.
Về thông tin điều kiện thời tiết, khí tượng khi xảy ra tai nạn, ông Hồ Minh Tấn cho biết, thời điểm đó, tầm nhìn đạt từ 6 đến 8 km; nhiệt độ 26 độ C, hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt. Trực thăng Bell 505 được trang bị hệ thống thiết bị có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái và khả năng chống va đập. Đây là thiết bị có thể hỗ trợ trong công tác điều tra nguyên nhân tai nạn.
Ngay sau khi nhận được thông tin tai nạn, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Binh đoàn 18 cùng Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục tập trung tối đa các nguồn lực thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn để tìm kiếm, trục vớt nạn nhân và tổ bay; trình Chính phủ tiến hành công tác điều tra tai nạn theo quy định của pháp luật.
Không chấp nhận việc can thiệp trong xử lý vi phạm giao thông
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực nên tình hình trật tự an toàn giao thông trong quý về cơ bản được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn đã giảm sâu; tình hình vi phạm về chở quá tải tại các địa phương đã được xử lý căn bản. Việc xử lý hệ thống đăng kiểm đã có những bước tiến ban đầu.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người tử vong và bị thương. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, chủ doanh nghiệp còn yếu kém, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho lực lượng chức năng... Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, ngoài sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và chủ doanh nghiệp trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần quyết liệt hơn, không chỉ trong các đợt cao điểm và những nội dung trong kế hoạch chuyên đề đặt ra. Lực lượng chức năng trong chức trách và nhiệm vụ của mình cần xử lý rất nghiêm các vi phạm; không chấp nhận việc can thiệp trong xử lý vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lưu ý công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền và các lực lượng; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.