Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học
Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) thành phố hiện có 69 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, gồm 26 CĐCS trường mầm non, 24 CĐCS trường tiểu học, 18 CĐCS trường THCS và 1 CĐCS Phòng GD và ĐT. Thời gian qua, Công đoàn ngành GD và ĐT thành phố Nam Định đã tích cực phối hợp với Phòng Tư pháp thành phố, các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao đạo đức, lối sống, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xâm nhập học đường.
Bám sát sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, ngay từ đầu năm học, Công đoàn ngành GD và ĐT thành phố đã chỉ đạo các tổ chức CĐCS trong các nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể công tác tuyên truyền; tổ chức rà soát, kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL; tham gia các lớp tập huấn, tọa đàm nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật phục vụ tốt hơn cho việc giảng dạy; tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, học tập kinh nghiệm truyền đạt kiến thức pháp luật cho học sinh theo kế hoạch từng năm học.
Trong chương trình phối hợp hàng năm, Công đoàn ngành Giáo dục thành phố đã tham mưu cho Phòng GD và ĐT thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức các lớp tập huấn dành cho giáo viên, giúp đội ngũ giáo viên được tiếp cận, cập nhật nhiều nội dung pháp luật mới và được cung cấp các kỹ năng phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học như: tổ chức tuyên truyền miệng, cách viết tin, bài, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật... Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, diễn tập, giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua các hình thức như: xây dựng sân khấu kịch về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội trong học sinh; tổ chức đối thoại giữa học sinh và đại diện các cơ quan chức năng về xử lý các tình huống, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật; thi vẽ tranh, xây dựng mô hình với các nội dung tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ và các quy định của Bộ luật Hình sự, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Nhiều đơn vị đã có hoạt động PBGDPL sôi nổi như các trường tiểu học: Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Tất Thành, Lê Quý Đôn, Lộc Vượng; các trường THCS: Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên, Lộc Vượng...
Ở Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, ngay từ đầu năm học, BCH công đoàn nhà trường đã tham mưu với Ban giám hiệu chỉ đạo thực hiện việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, PBGDPL, xác định nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng khối lớp. Căn cứ theo chương trình giáo dục pháp luật chung cho học sinh, giáo viên nhà trường linh hoạt, sáng tạo lồng ghép kiến thức pháp luật vào bài giảng để kiến thức pháp luật trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng trong sinh hoạt và trong ứng xử hàng ngày của học sinh; quan tâm xây dựng thư viện, tủ sách pháp luật trường học, thường xuyên bổ sung tài liệu, thiết bị phục vụ công tác PBGDPL. Hàng năm, 100% học sinh nhà trường được tham gia tập huấn, các cuộc thi, diễn tập xử lý tình huống bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhà trường còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép giáo dục các kiến thức pháp luật an toàn giao thông thông qua các hình ảnh trực quan, sinh động, đưa ra các tình huống giúp học sinh phân biệt được đúng, sai và có kỹ năng phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông… Đồng thời, thực hành dạy một hoạt động về giáo dục an toàn giao thông cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và sử dụng có hiệu quả đồ dùng thiết bị dạy học nhằm hình thành một số kỹ năng cơ bản về an toàn giao thông, giúp học sinh vận dụng hiểu biết khi tham gia giao thông.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được các nhà trường chú trọng, đẩy mạnh, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức như: In tài liệu tuyên truyền phát trong các hội nghị sơ kết, tổng kết năm học, hội nghị chuyên đề phổ biến pháp luật; xây dựng pa-nô, biển hiệu; đăng tin, bài, ảnh trên trang web và bản tin nội bộ của trường; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tập thể của giáo viên và học sinh. Bên cạnh hình thức giảng dạy chính khóa, các trường học tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền, PBGDPL thông qua các hoạt động thi tìm hiểu pháp luật, thi rung chuông vàng, câu lạc bộ pháp luật, sân khấu học đường... Hàng năm, Công đoàn Phòng GD và ĐT thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan phát động các nhà trường tham gia các cuộc thi: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Gương sáng thanh niên chấp hành pháp luật”, “Tìm hiểu chủ quyền biển, đảo Việt Nam”, “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”…. Hàng năm phối hợp với Công an thành phố tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, giáo viên và học sinh. 100% nhà trường trang bị tủ sách pháp luật với hàng nghìn sách, báo, tài liệu, các văn bản pháp luật. Ngoài việc kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, lồng ghép hoạt động PBGDPL với các cuộc vận động, các hoạt động ngoại khóa và các phong trào thi đua lớn của ngành, các nhà trường còn chú trọng xây dựng trang tin điện tử, tuyên truyền Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) trên trang tin và cổng ra vào. Đến nay, 100% nhà trường đã có trang mạng xã hội facebook thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhiều trường học đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức hội thi tìm hiểu về pháp luật, tạo sân chơi giúp học sinh hiểu và áp dụng các kiến thức về pháp luật và ứng xử với các tình huống, nhất là về chấp hành an toàn giao thông đường bộ và phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh. Để nâng cao hơn mức hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL vào đầu mỗi năm học, các trường học còn phối hợp với hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể, cơ quan công an địa phương tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường ký cam kết không vi phạm pháp luật, làm căn cứ để đánh giá thi đua và xếp loại hạnh kiểm cuối năm...
Công tác tuyên truyền, PBGDPL đã có tác động lớn trong việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, sự hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh, hạn chế các vi phạm pháp luật trong nhà trường. Các học sinh đã biết sống trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, quan tâm hơn đối với những vấn đề bức xúc trong xã hội..., hình thành ý thức, thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.