Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới
Hiện nay, với yêu cầu của công cuộc đổi mới đang được triển khai toàn diện, đồng bộ và đi vào chiều sâu, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang nổi lên như một nhiệm vụ quan trọng nhất của công cuộc đổi mới.
Ngay từ đầu của công cuộc đổi mới, ở thời điểm vô cùng “nhạy cảm” của tình hình thế giới và trong nước, nhất là sự tan rã của các Đảng Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (tháng 6-1992) đã kịp thời xác định: “nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 52, tr. 82).
Từ đó đến nay, xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trở thành nội dung trọng yếu, gắn chặt với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị và ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Là nhiệm vụ then chốt, bởi có xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, Đảng mới đưa ra được và tổ chức thực hiện thành công đường lối chính trị đúng đắn, xử lý thỏa đáng và kịp thời những vấn đề do công cuộc đổi mới đất nước đặt ra, xứng đáng với vai trò lãnh tụ chính trị của một đảng duy nhất cầm quyền, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm
Đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, Đảng phải thường xuyên được xây dựng và chỉnh đốn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ luôn có những nội dung mới, không để Đảng bị tụt hậu so với sự vận động, phát triển của thực tiễn trong nước, thế giới và trình độ dân trí chung của xã hội. Khi cần, Đảng có thể phát động, tổ chức một số cuộc vận động, nhưng việc đó không thay thế cho hoạt động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, liên tục.
Một mặt, việc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng phải được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không ngơi nghỉ, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được cho đến khi ngăn chặn và đẩy lùi được cơ bản những biểu hiện tiêu cực dưới mọi hình thức. Mặt khác, trong từng thời đoạn nhất định, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới đất nước và tình hình nội bộ, Đảng cần tập trung xây dựng, chỉnh đốn một số nội dung trọng tâm, trọng điểm.
Chẳng hạn, khi nhận thấy các chủ trương, biện pháp xây dựng Đảng chưa đủ mức ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là tham nhũng, lãng phí và thực hiện không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu trong Đảng có phần giảm sút, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (tháng 1-1999) đã phát động cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, trong đó nhấn mạnh yêu cầu chỉnh đốn Đảng.
Đến giữa năm 2006, Hội nghị Trung ương 3 khóa X ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Khi thấy những dấu hiệu “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền, gây tác hại nghiêm trọng đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, gây nên những bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
Đảng phải luôn luôn tự xây dựng, tự chỉnh đốn; “xây” đi đôi với “chống”
Là lãnh tụ chính trị của dân tộc đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới chưa từng có tiền lệ, phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nên Đảng phải chủ động tự xây dựng mình vững mạnh về mọi mặt, tự nghiêm khắc khắc phục những “tật bệnh” trong nội bộ. Biến cố chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cho thấy, khi đảng cầm quyền vi phạm những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một đảng cộng sản chân chính, không củng cố nội bộ đảng vững mạnh, khắc phục những sai lầm nghiêm trọng mắc phải thì chẳng những đảng mất vai trò lãnh đạo, mà đảng cũng tan rã và đất nước đi theo con đường khác.
Thấu hiểu bài học này, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu vấn đề: “Nếu Đảng không thấy được những yếu kém..., không tập trung, không kiên quyết khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả thì rất có thể Đảng sẽ ngày càng tự biến chất, xa rời bản chất cách mạng của Đảng. Có phải nếu như chúng ta không khắc phục được, không ngăn ngừa được những yếu kém..., nhất là về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, cũng như về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, thì nó sẽ đưa đến nguy cơ tự hủy mình không?” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 12).
Chỉ riêng việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nếu Đại hội X của Đảng mới đặt vấn đề tham nhũng, lãng phí là “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 46), thì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X coi tham nhũng, lãng phí là “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 12).
Như vậy, tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng là sự tự ý thức không chỉ về vai trò lãnh đạo, về uy tín trước nhân dân, mà còn về một nguy cơ lớn đe dọa chính sự tồn vong của Đảng. Từ đó, trong những năm qua, Trung ương đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ mới trên tất cả các mặt của công tác xây dựng Đảng, ban hành đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng, với yêu cầu cao đối với tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, Đảng đề ra nhiều chủ trương, quy định và tiến hành quyết liệt việc chỉnh đốn nội bộ cả về tư tưởng, tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm nghiêm trọng phải xử lý nghiêm khắc, “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, kể cả cấp ủy, tổ chức đảng nhiệm kỳ trước và cán bộ, đảng viên đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu. Thực tiễn cho thấy, việc xử lý kiên quyết này vừa khôi phục niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, vừa thể hiện sức chiến đấu, tinh thần tiến công cách mạng của Đảng và thúc đẩy các hoạt động xây dựng Đảng, kiểm soát quyền lực trong Đảng.
Tóm lại, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cần được tiến hành một cách toàn diện, trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh trong các mặt tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, trong phong cách công tác của cán bộ, đảng viên. Theo tinh thần các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tất cả đều phải được xây dựng, chỉnh đốn và đổi mới, đồng bộ, nhằm tạo ra sự ổn định theo hướng phát triển ngày càng tăng thêm của hệ thống chính trị và sự vận động của toàn xã hội theo hướng đồng thuận, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.