Đẩy mạnh công tác xóa nạn tảo hôn ở xã Hòa Phong
Xác nhận rõ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy, trong thời gian qua chính quyền xã Hòa Phong (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã nỗ lực tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.
Đồng bào Mông di cư từ phía Bắc vào sinh sống và lập nghiệp ở xã Hòa Phong từ những năm 1998, sống tập trung ở thôn Ea Khiêm và thôn Noh Prông, với 555 hộ và hơn 3.000 khẩu. Vậy nên, nơi đây vẫn còn những quan niệm, hủ tục cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm nương rẫy.
Trong khi việc thiếu trang bị kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi còn hạn chế nhất định, sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Từ đó, các em chưa nắm bắt được thông tin về sức khỏe sinh sản, trang bị kỹ năng sống, kiến thức pháp luật… cùng với việc các em yêu đương và có thai ngoài ý muốn, dẫn đến tình trạng tảo hôn, sinh đông con. Điều này đã khiến cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ, chưa đủ tuổi thành niên thường rất khó khăn do phụ thuộc gia đình và không có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ.
Điển hình như trường hợp của Đào Thị Chi (thôn Noh Prông) dù chỉ mới 19 tuổi nhưng đã làm mẹ của hai đứa trẻ. Gia đình khó khăn nên học đến lớp 5 thì em nghỉ học, ở nhà phụ giúp nương rẫy cho bố mẹ. Đến năm 16 tuổi, Chi lấy chồng và về sống chung với gia đình chồng đến bây giờ. Sống dựa hoàn toàn vào bố mẹ chồng nên kinh tế gia đình luôn "thiếu trước hụt sau".
Chị Đào Thị Chi chia sẻ: "Lấy chồng sớm rất vất vả, nhưng đã lỡ rồi cũng chỉ biết động viên chồng để cùng nhau cố gắng chăm lo cho con cái. Điều làm tôi trăn trở nhất là đến nay vợ chồng tôi chưa làm được thủ tục đăng ký kết hôn nên hai con vẫn chưa có giấy khai sinh. Do vậy, dù đã đủ tuổi đến trường nhưng đứa con lớn của tôi vẫn chưa được đi học".
Chung tình cảnh như Chi, Lý Thị Dụa (16 tuổi, thôn Ea Khiêm) cũng vừa lấy chồng được hơn một tháng. "Nhà đông anh em, kinh tế khó khăn nên tôi nghỉ học từ rất sớm. Sau khi quen biết và yêu đương với chồng hiện tại chỉ một thời gian ngắn, tôi đã mang thai nên được gia đình chồng đón về ở chung. Mọi chi tiêu, sinh hoạt đều phụ thuộc vào bố mẹ chồng, trong khi gia đình chồng lại đông con cái, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhiều khi nghĩ, tôi thấy tương lai mờ mịt quá", Dụa chia sẻ.
Chia sẻ về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết của xã, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Thái Thanh Sơn cho biết: Tình trạng tảo hôn, sinh đông con chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Từ công tác đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn cho thấy, các trường hợp tảo hôn đều khoảng 16 - 17 tuổi. Nhiều cặp vợ chồng ra UBND xã vừa đăng ký kết hôn, vừa làm thủ tục đăng ký khai sinh cho 2 – 3 con, thậm chí có trường hợp đăng ký khai sinh cho 5 con cùng lúc.
Cũng theo ông Thái Thanh Sơn, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hằng năm địa phương đều phối hợp với Phòng Dân tộc huyện trực tiếp xuống các thôn, buôn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời, tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, bám sát địa bàn, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật bằng pa nô, áp phích hoặc thông qua loa phát thanh… với nội dung về hôn nhân gia đình, tảo hôn và những hậu quả, tác hại, hệ lụy do vấn nạn này gây ra...
Ngoài ra, địa phương còn phát huy vai trò của người uy tín tại thôn, buôn để vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, loại bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các cộng đồng dân cư. Vận động, hỗ trợ người dân tích cực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn giảm thiểu đáng kể. Trong 9 tháng của năm 2023, xã có 7 trường hợp tảo hôn (giảm 2 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), đặc biệt không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Việc tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Những chuyển biến tích cực từ cơ sở là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội, góp phần quan trọng xây dựng phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới./.