Đẩy mạnh đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, dịch vụ

Bên cạnh thuận lợi, ngành Du lịch cũng gặp nhiều thách thức như thị trường du khách, sản phẩm du lịch, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lao động hoặc lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Lượng du khách tăng nhanh tại các địa phương trọng điểm về du lịch đang khẳng định kết quả bước đầu phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, ngành Du lịch cũng gặp nhiều thách thức như thị trường du khách, sản phẩm du lịch, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lao động hoặc lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Khắc phục khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để trang bị, bồi dưỡng nguồn nhân lực sát nhu cầu thực tế là giải pháp được nhiều cơ sở đào tạo thực hiện, góp phần cung ứng lao động có kiến thức, kỹ năng phù hợp, tạo thuận lợi cho đà phục hồi và phát triển các hoạt động lưu trú, du lịch, dịch vụ.

Vượt khó trong tuyển sinh và đào tạo

Đào tạo kỹ năng nghề tại trường trung cấp du lịch Hà Nội.

Đào tạo kỹ năng nghề tại trường trung cấp du lịch Hà Nội.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Trong hai năm 2021-2022 đại dịch COVID-19 tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có các cơ sở đào tạo lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Năm 2021, kết quả tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước chỉ đạt 81,5% so với kế hoạch đề ra. Riêng các cơ sở đào tạo lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vẫn thuộc nhóm có kết quả tuyển sinh tốt với tổng số tuyển sinh hơn 30.700 người ở các trình độ Trung cấp và Cao đẳng.

Ngoài những khó khăn chung trong công tác tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo các ngành, nghề lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng còn gặp khó khăn lớn nữa là do dịch COVID-19, khách tham quan, du lịch giảm sút, nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt, hoạt động du lịch trong năm 2020 và gần hết năm 2021 gần như “tê liệt”. Nhiều nhân viên phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm các công việc khác để kiếm sống, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học khi lựa chọn ngành, nghề theo học.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, Thạc sỹ Ngô Thị Quỳnh Xuân chia sẻ: Tâm lý của phụ huynh và học sinh - những người yêu thích ngành du lịch cũng có sự băn khoăn, cân nhắc khi lựa chọn ngành, nghề này. Trong hầu hết các chương trình hướng nghiệp được tổ chức cho đối tượng học sinh Trung học Phổ thông, nhà trường nhận thấy phụ huynh và học sinh đặt rất nhiều các câu hỏi về việc làm sau khi học, du lịch phục hồi thế nào, có tiếp tục bị thất nghiệp không?. Trong bối cảnh đó, cùng với tăng cường tư vấn tuyển sinh, công tác đào tạo của trường được duy trì linh hoạt bằng các hình thức trực tuyến hoặc kết hợp đào tạo trực tuyến và trực tiếp; điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo. Sau khi kết thức giãn cách, nhà trường tập trung rèn luyện các kỹ năng thực hành hoặc bố trí cho học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp.

Cũng theo Thạc sỹ Ngô Thị Quỳnh Xuân: Sau khi trở lại trạng thái bình thường, hiện nay trái ngược với tình hình khách tăng trưởng tốt của ngành Du lịch là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng của ngành. Các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch từ mảng lữ hành đến lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng đều thiếu nhân sự từ cấp nhân viên đến cấp quản lý. Vì vậy, giải pháp để có nguồn nhân lực du lịch đủ cả chất và lượng để cung cấp cho ngành trong giai đoạn du lịch đang phục hồi mạnh mẽ hiện nay và tương lai là các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách khuyến khích sinh viên năm cuối thực tập có lương, tạo động lực cho người học du lịch. Các điểm tham quan tại các địa phương có trong chương trình thực tập tour của các cơ sở đào tạo cần hỗ trợ giảm giá vé tham quan cho sinh viên chuyên ngành du lịch. Có như vậy, ngành Du lịch mới có được một lực lượng lao động kế thừa tiếp tục để đảm bảo ngành phát triển bền vững.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết: Hiện nay, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có 35 ngành nghề đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng. Để cung ứng nguồn nhân lực góp phần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tập trung toàn lực triển khai công tác tuyển sinh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch tuyển sinh các trình độ giáo dục nghề nghiệp năm 2022 đã đề ra. Đồng thời, các cơ sở đào tạo duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ tốt nghiệp và tốt nghiệp khá giỏi các trình độ trong giáo dục nghề nghề nghiệp lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng để đảm bảo ổn định “đầu ra” cho nguồn nhân lực. Các cơ sở cũng tăng cường đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập, nhất là học sinh, sinh viên năm cuối để vừa nâng cao kỹ năng nghề cho người học, vừa hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực du lịch dịch vụ bổ sung kịp thời nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

Tăng cường hợp tác, nâng chất lượng nhân lực

Bãi biển tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông kín người, ảnh chụp ngày 30/4/2022. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Bãi biển tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông kín người, ảnh chụp ngày 30/4/2022. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Một trong những giải pháp quan trọng được các chuyên gia, nhà quản lý nhấn mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện nay là từng cơ sở đào tạo tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để cung cấp nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với doanh nghiệp đề xuất, gợi mở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động theo chính sách; xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ đề xuất hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động của doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo cũng cần phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gắn với yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động trong bối cảnh hiện nay.

Thạc sỹ Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu cho rằng: Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng lợi ích của các bên và người thụ hưởng là học sinh, sinh viên. Việc hợp tác tốt sẽ mang lại lợi ích cho cả ba bên: nhà trường - doanh nghiệp và người học. Doanh nghiệp có nguồn tuyển lao động phù hợp, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng.

Theo Thạc sỹ Đinh Bích Diệp, Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu đã xây dựng được các mối liên kết hợp tác lâu dài với nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng có tiêu chuẩn dịch vụ từ 4-5 sao là các đơn vị thành viên của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Riêng đối với đối tác chiến lược là Tổ hợp Khu nghỉ dưỡng - Casino - Sân golf The Grand Hồ Tràm Strip, trường đã từng bước xây dựng hợp tác toàn diện theo các nội dung: phối hợp đào tạo sinh viên hệ Cao đẳng chính quy, trao đổi chuyên gia, tiếp nhận thực tập, hướng nghiệp tuyển sinh và tuyển dụng, đặc biệt đã thực hiện chương trình đào tạo song hành theo đặt hàng của doanh nghiệp. Năm học 2021-2022 này, nhà trường gửi 100 sinh viên học thực hành một tuần hai ngày tại The Grand Hồ Tràm Strip. Những sinh viên tốt nghiệp chương trình hợp tác này ngoài bằng cử nhân thực hành của trường còn được cấp chứng chỉ công nhận đã hoàn thành chương trình học thực hành và thực tập của The Grand Hồ Tràm Strip. Các em đều sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc, có tác phong làm việc tự tin và có kỹ năng làm việc nhóm rất tốt. Bên cạnh 100 sinh viên của chương trình đào tạo song hành, hiện nay, trường còn gửi một số sinh viên thực tập tốt nghiệp suốt tuần tại The Grand Hồ Tràm Strip.

Trong khi đó, theo Thạc sỹ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, đứng chân tại địa thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện trường có trên 820 học sinh, sinh viên đang theo học các trình độ Cao đẳng, Trung cấp ở các ngành nghề như nhà hàng, lễ tân, lưu trú, hướng dẫn viên, lữ hành, chế biến món ăn, pha chế thức uống... Ngoài ra, trường còn tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ điều hành du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa, quốc tế, nghiệp vụ bàn, buồng, lễ tân, pha chế thức uống theo chuyên đề, kỹ năng giao tiếp, chiêu đãi tiệc, ngoại ngữ chuyên ngành. Để đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động, nhà trường và doanh nghiệp cùng nhau điều chỉnh chương trình đào tạo hằng năm cho phù hợp với yêu cầu việc làm, mời đại diện doanh nghiệp thỉnh giảng, trao đổi kinh nghiệm thực tế cho sinh viên, giảng viên.

Trường cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên làm việc bán thời gian hoặc tiếp nhận sinh viên thực tập có thù lao, hỗ trợ chi phí ăn, nghỉ. Hiện nay, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ ký kết, phối hợp với hơn 30 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp lớn ở Cần Thơ thường xuyên phối hợp với nhà trường như các Khách sạn Victoria, Khách sạn Ninh Kiều, Khách sạn Vinpearl, Chi nhánh Vietravel tại Cần Thơ, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thực hành cho sinh viên tại doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với phương châm cùng nhau có lợi, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Thanh Trà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/day-manh-dao-tao-cung-ung-nguon-nhan-luc-linh-vuc-du-lich-dich-vu-20220501070043046.htm