Đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, giải quyết thiếu giáo viên ở Tây Nguyên
Trước thực trạng Tây Nguyên thiếu giáo viên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị nên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là người dân tộc thiểu số (DTTS).
Ngày 24/3 tại Đắk Lắk, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chất lượng giáo dục vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước
Báo cáo của Bộ GD&ĐT thể hiện, những năm qua, hệ thống mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Năm học 2021-2022, toàn Tây Nguyên có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Các địa phương chủ động quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực người DTTS.
Đến nay, cơ bản toàn vùng Tây Nguyên đã đạt mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 40% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 74,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…
Tuy nhiên, công tác GD&ĐT ở Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả...
Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, xuống cấp và quá tải, học sinh phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.
Số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng làm tăng thêm áp lực thiếu giáo viên.
Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 còn cao. Chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Chất lượng dạy môn tiếng DTTS chưa đáp ứng được kỳ vọng; đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số còn thiếu, yếu về chất lượng…
Chú trọng đào tạo nguồn lực tại chỗ
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, Nghị quyết 120 của Quốc hội về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã thiết kế riêng dự án cho giáo dục với 4 tiểu dự án, mục tiêu cụ thể.
Hiện, Ủy Ban Dân tộc đang cùng với các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho vấn đề phân vùng học sinh DTTS ở những địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới không được thụ hưởng chính sách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng nhấn mạnh, các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ để giải quyết thiếu giáo viên; chú trọng đào tạo hơn nữa nhân lực DTTS.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng đầu tư cơ sở, vật chất kiên cố hóa trường học; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý hơn; nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực DTTS tại chỗ, gắn với nhu cầu phát triển KT-XH, góp phần triển khai Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.