Đẩy mạnh đấu tranh vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã
Ngày 19-7-2019, Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội và tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) phối hợp thực hiện Hội thảo 'Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam'.
Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm UBTP Quốc hội chủ trì hội nghị cùng với sự tham gia của gần 70 đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan thực thi pháp luật tại 11 tỉnh, thành được coi là “điểm nóng” về các vi phạm liên quan gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm hoàn thiện các quy định trong Bộ Luật Hình sự (BLHS), bộ luật tố tụng hình sự và các quy định khác liên quan đến phòng, chống tội phạm về ĐVHD. Đồng thời, UBTP cũng khuyến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh có sự quan tâm, đầu tư hơn để nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng và có sinh kế phụ thuộc vào rừng để giảm nạn săn bắn trái phép ĐVHD.
Trước đó, vào tháng 5-2019, UBTP đã khảo sát về tình hình áp dụng Điều 234 và 244 của Bộ luật hình sự (BLHS) 2015, có hiệu lực từ 1-1-2018 và các chính sách phòng, chống vi phạm pháp luật về ĐVHD của các cơ quan thực thi pháp luật tại 6 tỉnh là "điểm nóng" về tội phạm liên quan đến ĐVHD, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.
Tại đây, đoàn khảo sát phát hiện các vi phạm chủ yếu là săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng nhằm qua mắt lực lượng công an, kiểm lâm. Trong đó, nhiều trường hợp đối tượng phạm tội là người dân vùng cao, người dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên thiếu hiểu biết về pháp luật.
Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng người dân ở các vùng thôn quê vi phạm trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế đã thường xuyên tổ chức hội thảo, phổ biến pháp luật và hướng dẫn mọi người tham gia bảo vệ ĐVHD. Đồng thời, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật và các vụ truy tố, khởi tố, xét xử tội phạm về ĐVHD diễn ra kịp thời, công khai để người dân nắm rõ, tuân thủ quy định của pháp luật
Bên cạnh những thành quả đạt được thì cơ quan thực thi pháp luật vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý và giám định vật chứng. Bao gồm việc xác định loài do cán bộ tuyến đầu thiếu kỹ năng nhận diện dẫn đến việc xử lý còn lúng túng ở khâu xử lý ban đầu khiến hiệu quả chưa đạt như mong đợi. Ngoài ra, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc một số loài ĐVHD, động vật cấp quý, hiếm khiến chúng bị chết sau khi phát hiện, thu giữ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm UBTP Quốc hội cho biết: “Chuyến đi thực tế tại sáu tỉnh trọng điểm giúp UBTP nắm được tổng quan tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các vi phạm liên quan đến ĐVHD, đặc biệt là việc áp dụng Điều 234 và 244 của Bộ Luật hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018. UBTP Quốc hội khuyến nghị Chính phủ nghiên cứu việc thành lập cơ quan có thẩm quyền giám định về ĐVHD theo khu vực và ban hành danh sách giám định viên tư pháp theo tỉnh để đảm bảo xử lý kịp thời các vụ án liên quan đến ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cần quan tâm, đầu tư kinh phí cho hoạt động giám định, chăm sóc ĐVHD cũng như bảo quản bộ phận cơ thể, sản phẩm của ĐVHD là tang vật của các vụ việc vi phạm đang được các cơ quan tố tụng xử lý.
Các ủy ban liên quan của Quốc hội cần đẩy mạnh việc giám sát thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD để kịp thời phát hiện, xử lý các khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan thực thi pháp luật địa phương gặp phải”.