Đẩy mạnh đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực phát triển kinh tế
Các chuyên gia cho rằng việc triển khai mạnh mẽ đầu tư công trong năm 2024 và 2025 sẽ tạo nên những bước chuyển đổi kinh tế, tạo nền tảng mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
657.000 tỉ đồng cho đầu tư công năm 2024
Đầu tư công được nhấn mạnh có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỉ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP.HCM.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đã hoàn thành 9/11 dự án thành phần giai đoạn 2017-2020 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892km, trong đó riêng năm 2023 là 475km; 2 dự án còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các chủ đầu tư, nhà thầu đang tích cực triển khai để hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với 12 dự án thành phần giai đoạn 2021-2025, mặc dù năm đầu triển khai còn vướng mắc nhiều về mặt bằng và vật liệu xây dựng nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực tổ chức thi công, bám sát tiến độ đề ra.
Đối với 5 dự án đường bộ cao tốc trục đông - tây và đường vành đai, tiến độ triển khai còn chậm, trừ một số gói thầu do TP.HCM và Long An (đường vành đai 3), Hà Nội (đường vành đai 4), Bà Rịa-Vũng Tàu (đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), Đắk Lắk và Khánh Hòa (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) làm cơ quan chủ quản triển khai cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Các dự án cao tốc khác như Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Cao Lãnh - An Hữu; Bến Lức - Long Thành đang được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai bám sát tiến độ đề ra.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên đang được Hà Nội và TP.HCM rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong hợp đồng; thực hiện đào tạo nhân sự, hoàn tất các thủ tục về phòng cháy chữa cháy; nghiệm thu công trình, chứng nhận an toàn hệ thống để phấn đấu vận hành đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 7.2024.
Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các gói thầu đang tổ chức thi công như gói thầu 5.10 nhà ga hành khách, gói thầu xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai bám sát tiến độ.
Các gói thầu chưa khởi công thuộc dự án thành phần 1 xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, dự án thành phần 4 xây dựng các công trình thiết yếu đang được các cơ quan chủ quản triển khai các thủ tục đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư. Gói thầu nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được ACV triển khai thi công, bám sát tiến độ đề ra, đến nay giải ngân đạt 2.477/10.825 tỉ đồng (23%)…
Đẩy mạnh đầu tư công để tạo nền tảng tăng trưởng
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc tăng cường đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt hàng trăm cây số đường cao tốc đã được hoàn thành.
Theo ông Thịnh, năm 2023, cả nước đưa vào sử dụng 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900km. Hệ thống đường cao tốc đã tạo ra các không gian, hành lang phát triển mới, giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy du lịch, thu hút nhà đầu tư.
“Nếu không có được hạ tầng tốt thì rất khó để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Đặc biệt Việt Nam đang muốn trở thành địa chỉ sản xuất các sản phẩm bán dẫn”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh việc triển khai mạnh mẽ đầu tư công trong năm 2024 và 2025 sẽ tạo nên những bước chuyển đổi kinh tế, tạo nền tảng mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, người đứng đầu các bộ ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện thi công các dự án đầu tư công; phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công…
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2024 là phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.
Theo ông Dũng, giai đoạn 2026-2030, Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000km đường cao tốc; phát triển hạ tầng đường sắt, hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh cần tập trung triển khai khởi công đúng tiến độ các dự án trong năm 2024 và chủ động đẩy nhanh thi công các công trình, dự án đang triển khai, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025. Một số dự án bị chậm tiến độ phải làm bù, phải quyết tâm, quyết liệt phối hợp với các địa phương.
"Chỉ còn 2 năm nữa, phải quyết liệt ngay từ bây giờ mới kịp, không phân biệt dự án nào của địa phương, dự án nào của trung ương. Ở đâu có hai chữ "giao thông" ở đó có trách nhiệm, nhiệm vụ của chúng ta", Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.