Đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: TTXVN
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều giải pháp về phát triển bền vững đã được các đại biểu đề xuất, trong đó một số ý kiến nhấn mạnh cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho nguồn nhân lực để nguồn lực này phát huy hết vai trò, tiềm năng của mình.
Ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển, Chỉ số phát triển con người (HDI) và GDP bình quân đầu người đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bởi chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng “đặt chân” vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động, tạo ra mức tăng trưởng đột phá. Trong đó, các trường đại học là cái nôi của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP. Trong khi đó, các nước có số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP lớn hơn, mức đầu tư giáo dục đại học chiếm 1,1% GDP. Chính vì vậy, mức chi cho giáo dục của một sinh viên trường đại học tốp đầu Việt Nam hiện nay cũng chỉ bằng 1/10 đến 1/15 của sinh viên các nước phát triển.
Tuy vậy, sản phẩm đào tạo trong nước của trường đại học tốp đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không có sự khác biệt rõ ràng về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài, ngoại trừ có trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học để các trường tốp đầu trở thành các trường đẳng cấp quốc tế.
Quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đánh giá, các địa phương đang chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu, nội dung về lĩnh vực kinh tế mà dường như bỏ sót một vấn đề rất quan trọng là nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế, đó là quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đại biểu dẫn chứng trong ngành sư phạm, tính đến tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 45.000 giáo viên Mầm non, hơn 18.000 giáo viên Tiểu học, hơn 11.000 giáo viên Trung học Cơ sở và hơn 10.000 giáo viên Trung học phổ thông.
Cùng với sự ra đời của nhiều trường tư, trường công rơi vào tình trạng không đủ giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, các cấp chính quyền chưa chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng nhu cầu thiếu hụt cho địa phương mà chỉ chờ số lượng sinh viên ít ỏi của ngành sư phạm ra trường.
Đại biểu băn khoăn: "Chính phủ đã ban hành Nghị định hỗ trợ 3,63 triệu đồng mỗi tháng cho sinh viên ngành sư phạm, nhưng chính sách mới này liệu có giải quyết tận gốc vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thiếu hụt hay cũng chỉ mới thu hút được số lượng không nhiều sinh viên vào ngành sư phạm?"
Tương tự ở các ngành khác, các báo cáo Chính phủ đề ra định hướng hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế, thực hiện kinh tế số. Điều đó có nghĩa nền kinh tế đang rất cần lượng lớn những người được đào tạo về các lĩnh vực như: ông nghệ thông tin, điện tử, kỹ sư nông nghiệp… Tuy nhiên, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lại không được thực hiện một cách quyết liệt ở các cấp mà chủ yếu phụ thuộc vào số lượng sinh viên tốt nghiệp.
Đại biểu chỉ rõ, sinh viên đăng ký ngành học chủ yếu là tự phát, dựa trên năng lực, sở thích, kinh tế gia đình hay dự đoán thị trường lao động. Điều này khiến lượng sinh viên đăng ký vào các ngành học như đồ thị hình sin, gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nguồn nhân lực của nền kinh tế.
Nhấn mạnh nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của quốc gia, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần quan tâm hơn đến quy hoạch nguồn nhân lực. Nhằm thực hiện phương châm “Chính phủ hành động”, các địa phương cần chủ động các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, có chính sách, lộ trình đào tạo, thu hút nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp hiệu quả, đúng hướng.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tính toán, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực; qua đó giúp người học đăng ký vào ngành mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhận định, nguồn lực con người, nguồn lực quý giá nhất và là một trong ba đột phá chiến lược chưa được chăm chút đúng mức và phát huy hết vai trò để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước.
Vì vậy, trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, cần chú trọng để phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy tự hào dân tộc, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, xác định hệ tiêu chí xây dựng chuẩn mực văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới; triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống việc chuyển giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, củng cố niềm tin của xã hội, của cử tri vào đổi mới giáo dục.
Đại biểu nhấn mạnh: “Giáo dục phải góp phần quan trọng khắc phục những nguy cơ gây mất ổn định, đó là đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, trong đó có nhiều thanh thiếu niên có biểu hiện sa sút, lệch lạc. Đây là giai đoạn cần tập trung xây dựng nền tảng về thể chế, cơ cấu hệ thống, đổi mới quản lý, về đội ngũ để giáo dục Việt Nam đón được các yêu cầu mới về phát triển con người và đào tạo nhân lực trong bước chuyển đột phá của đất nước".
Để thực hiện các mục tiêu này, đại biểu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về GD-ĐT, tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo; đẩy mạnh dân chủ trong các trường phổ thông và phát huy tự chủ trong giáo dục đại học, đồng thời nâng cao chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy…