Đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong 24% tổng dân số Lâm Đồng là người dân tộc thiểu số chiếm đa số là người dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên. Cụ thể, đồng bào K'Ho có 152.098 người, chiếm tỷ lệ 12,32%; Mạ 33.703 người, chiếm tỷ lệ 2,73%; Chu ru 19.876 người, chiếm tỷ lệ 1,61%. Bên cạnh các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên còn có nhiều dân tộc từ các vùng, miền khác nhau (Hoa, Thái, Tày, Nùng...) đến sinh sống đan xen; các dân tộc có nguồn gốc, truyền thống lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển, phong tục tập quán, tín ngưỡng khác nhau.
Trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân bổ 980 triệu đồng trong nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa để thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung như: Kiểm kê trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; mở lớp truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống; trang bị nhạc cụ, trang phục; phục dựng lễ hội, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh...
Cụ thể, Sở đã tổ chức nhiều các hoạt động tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V - 2022 tại Đơn Dương; Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương; Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I; Không gian giới thiệu văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng “Hội tụ và Lan tỏa” trong Tuần lễ Vàng du lịch... Đồng thời, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2021-2026 tầm nhìn đến năm 2035”; Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”; tổ chức mở lớp truyền dạy đàn tính, hát then tại huyện Cát Tiên; kiểm kê trang phục truyền thống dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Dương. Biên tập trên 36 tài liệu tuyên truyền xe loa; chọn lọc, khai thác 24 phim truyện, 20 phim tài liệu, 10 phim hoạt hình, các chuyên mục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức 135 buổi thông tin lưu động về phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân bổ kế hoạch vốn là 12,014 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể là dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; trong đó, ngân sách Trung ương 10,436 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,578 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giao dự toán kinh phí còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn, trong khi năm 2022 đã trải qua 2/3 thời gian. Năm 2023, dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” phân bổ cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 31,352 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư là 23 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 8,352 tỷ đồng.
Từ nguồn đầu tư này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục làm nhiều việc có ý nghĩa thiết thực như: tiến hành hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu (xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, trang bị thùng rác công cộng, trang bị nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn, sưu tầm phục chế, phục dựng hiện vật, thiết kế, lắp đặt biểu chỉ dẫn hướng dẫn du lịch, hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, xây dựng trung tâm du lịch). Hỗ trợ đầu tư bảo tồn mỗi một làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số như xây dựng, cải tạo và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng, buôn.
Hỗ trợ tu bổ tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt; Di tích Khảo cổ Cát Tiên; Di tích Căn cứ kháng chiến Khu VI Cát Tiên. Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; Sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, K'Ho, Churu. Tổ chức bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, bảo tồn lễ hội; phục hồi, bảo tồn phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống; tuyên truyền quảng bá văn hóa truyền thống... Hỗ trợ mỗi nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.
Xây dựng nội dung, xuất bản mỗi ấn phẩm xuất bản sách, đĩa, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống về đồng bào dân tộc thiểu số, xuất bản sách về dân tộc thiểu số Mạ, K'Ho, Churu. Tổ chức mỗi hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trang thiết bị cho mỗi nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại. Từng bước khôi phục các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thiết thực khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tiêu biểu nhằm nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho Nhân dân; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Gìn giữ, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa các dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.