Đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông

Một tiết dạy và học tiếng Anh ở Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (phường 9, TP Tuy Hòa). Ảnh: TRUNG HIẾU

Thực hiện đề án của Chính phủ về “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, thời gian qua, ngành Giáo dục Phú Yên đã triển khai và có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc dạy và học ngoại ngữ. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên về nội dung này. TS Phạm Văn Cường cho biết:

Thời gian qua, việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông được ngành triển khai và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng lẫn số lượng nhằm phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông ở Phú Yên thời gian qua như thế nào?

- Ngoại ngữ được xác định là môn học đặc biệt quan trọng trong chương trình học của các cấp, là môn học bắt buộc ở cấp THCS, THPT và là môn học tự chọn ở cấp tiểu học trong nhiều năm qua. Một số trường THPT dạy hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp.

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh triển khai dạy và học tiếng Anh tại các trường tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5 cho 38.167/44.259 học sinh, trong đó có 32.746 học sinh học chương trình 10 năm; 100% trường THCS và THPT dạy tiếng Anh.

Riêng môn Tiếng Pháp được dạy tại 3 trường gồm: THPT Nguyễn Huệ, THPT Ngô Gia Tự, THPT chuyên Lương Văn Chánh. Đội ngũ giáo viên ngoại ngữ cơ bản đạt trình độ đào tạo theo cấp học. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên tiếng Anh được triển khai từ năm 2012 đã có những kết quả đáng khích lệ. Tỉ lệ giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, THCS đạt chuẩn bậc 4 là 90,6%, còn giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn bậc 5 là 97,7%. Hàng năm, ngành Giáo dục tổ chức tập huấn về nghiệp vụ sư phạm nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy học.

Ngành Giáo dục sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình hợp tác quốc tế về giáo dục để đào tạo kiến thức cho học sinh và giáo viên; tăng cường thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các trường, xây dựng phòng chức năng, phòng đa phương tiện để học ngoại ngữ và thí điểm xây dựng một vài trường học thông minh…

* Trong quá trình triển khai đề án của Chính phủ, ngành Giáo dục Phú Yên gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Trong quá trình triển khai dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh bị vướng từ nguồn lực giáo viên. Một số giáo viên chưa đủ năng lực ngôn ngữ để giảng dạy do chưa được đào tạo bài bản từ đại học. Đối với tiếng Anh ở cấp tiểu học, vì là môn tự chọn nên chưa có những căn cứ pháp lý tuyển giáo viên để đảm bảo chương trình đủ 4 tiết/tuần dẫn đến hệ quả khó triển khai chương trình tiếp nối ở cấp THCS và THPT.

Cơ sở, trang thiết bị dành cho việc dạy học ngoại ngữ còn nghèo nàn, thiếu trang thiết bị nghe nhìn hiện đại, phòng học bộ môn, phòng học đa chức năng. Năng lực chuyên môn và phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phát huy tính tích cực của học sinh…

* Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, ngành Giáo dục Phú Yên có những giải pháp gì trong dạy và học ngoại ngữ?

- Để nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ, Sở GD-ĐT đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2020-2025. Ngành Giáo dục sẽ đa dạng hóa hình thức dạy học ngoại ngữ, bao gồm tổ chức trên lớp, trực tuyến trên mạng internet, ngoại khóa và khuyến khích học sinh tự học từ các nguồn học liệu khác nhau; tăng cường dạy tiếng Anh cho học sinh THPT theo hình thức xã hội hóa do giáo viên tiếng Anh người bản xứ dạy để nâng cao kiến thức; đẩy mạnh chất lượng giáo dục thường xuyên về hoạt động ngoại ngữ theo chương trình quốc tế như Trường phổ thông Duy Tân và một số trung tâm ngoại ngữ IOE…

* Xin cảm ơn ông!

TRUNG HIẾU (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/229951/day-manh-day-va-hoc-ngoai-ngu-trong-giao-duc-pho-thong.html