Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng xác định không chỉ là thực hiện kế hoạch mà còn góp phần vào tăng trưởng, giải quyết việc làm, tiêu thụ hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác (đá, cát, xi măng, sắt, thép…). Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2020.

2 dự án thuộc Đề án “Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” là một trong nhiều dự án của kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đến ngày 12/8/2020 có tỷ lệ giải ngân là 0%. Ảnh: Võ Trang

2 dự án thuộc Đề án “Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” là một trong nhiều dự án của kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đến ngày 12/8/2020 có tỷ lệ giải ngân là 0%. Ảnh: Võ Trang

Theo kế hoạch vốn đầu tư công, tính đến ngày 12/8/2020, tổng vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng là 5.064,168 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 là 1.047,451 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp tỉnh là 4.016,717 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 2.819 tỷ đồng và các nguồn vốn do Trung ương quản lý, phân bổ là 1.197,717 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2020, khối lượng thực hiện và số vốn giải ngân 1.839,4 tỷ đồng, 36,3% kế hoạch. Trong đó, vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020, giải ngân 360 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch vốn, tăng 5,1% so với tháng 7/2020; vốn kế hoạch năm 2020, giải ngân 1.487,4 tỷ đồng, đạt 41,1% kế hoạch (giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 5,1% so với tháng 7/2020).

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 12/8/2020, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, ở khối các sở, ban ngành có 7 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh, nhưng tới 18 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh; khối các địa phương có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh và có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh. Trong đó, các dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn hơn 30 tỷ đồng nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh là Dự án Đường vành đai thành phố Đà Lạt, Dự án Nâng cấp đường ĐT.724 và xây dựng 3 cầu, thông tuyến đường ĐT.721, Dự án Cơ sở hạ tầng khu thể thao thuộc khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh, Dự án Sân vận động TP Đà Lạt, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, Tiểu dự án sửa chữa - nâng cấp hồ đập, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công chậm. Trong đó, Bộ đơn giá xây dựng của tỉnh theo quy định Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 mới được ban hành và nhiều dự án khởi công mới, gói thầu xây lắp chưa được phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán nên chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và chưa giải ngân số vốn được giao. Một số dự án có quy mô lớn cần phải tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi. Riêng nguồn vốn ODA được xác định là thủ tục phức tạp…

Tuy nhiên, tình hình giải ngân chậm, chủ yếu do chủ đầu tư chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa tích cực đôn đốc nhà thầu tư vấn lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư (từ khâu lập dự án, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán...), chưa thực hiện việc xây dựng tiến độ triển khai của các dự án ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án; đối với các dự án chuyển tiếp, chưa đôn đốc các nhà thầu thực hiện công tác nghiệm thu, thanh quyết toán để giải ngân vốn. Năng lực của đơn vị tư vấn còn hạn chế, chưa kịp thời và tích cực giúp các chủ đầu tư trong việc lập các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thanh toán... nên làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư. Nhà thầu thi công sau khi ký hợp đồng còn chậm triển khai thực hiện vì vậy khối lượng thi công đạt thấp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Đối với nhóm các dự án lớn có mức vốn bố trí trên 30 tỷ đồng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đến 30/9/2020 phải giải ngân đạt 80%; đến 30/11 phải giải ngân đạt 90% và đến 31/12/2020 phải giải ngân hết kế hoạch vốn. Đối với nhóm dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2020: đến đến 30/9/2020 phải giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn và đến 31/12/2020 phải giải ngân hết kế hoạch vốn. Đối với các nhóm dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020: tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, 30/9/2020 phải giải ngân đạt 80%; đến 30/11 phải giải ngân hết vốn. Trường hợp có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ, sau ngày 30/9/2020 đề xuất UBND tỉnh xem xét bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đối với nhóm dự án khởi công mới: khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công trong tháng 8/2019; đến 30/9/2020 phải giải ngân đạt 30%; đến 31/12/2020 phải giải ngân hết kế hoạch vốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, yêu cầu: Các nhà đầu tư, các địa phương, các ngành cần thể hiện trách nhiệm của mình một cách chủ động. Giải ngân tăng được từ 32% lên 36,5% là có chuyển biến nhưng so với yêu cầu thì chưa đạt. Trong tổng thể chung, thì khối huyện thành có tiến độ giải ngân tốt hơn khối sở ngành. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những đơn vị chưa đạt được 80% khối lượng, các dự án mới khởi công mà chưa đạt 30% kế hoạch sẽ là những đối tượng phải rà soát lại và điều chuyển vốn hợp lý cho các đơn vị, địa phương đang có nhu cầu về vốn; các nguồn vốn khác không sử dụng được thì chuyển trả để tăng tỷ lệ giải ngân.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202009/day-manh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-3020947/