Đẩy mạnh giáo dục di sản trong dạy và học ở các trường phổ thông

Những năm qua, việc giáo dục di sản trong dạy và học ở trường phổ thông đang được nhiều trường trên địa bàn tỉnh vận dụng rất hiệu quả, thực hiện chủ yếu ở các môn học: Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 970 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó, có trên 300 di tích đền, đình, miếu đã được Nhà nước xếp hạng. Một số di tích tiêu biểu như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), Hùng Vương Tổ Miếu, Đền Tiên, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì),... cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử, như: Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Gò De, Làng Cả, xóm Ren,... chứa đựng nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, tích hợp tầng sâu của văn hóa Việt Nam.

Đền thờ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa là khu di tích lịch sử chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có nhiều hạng mục di sản được xếp hạng và ghi danh. Những giá trị di sản này là chất liệu phong phú cho giáo dục phổ thông toàn diện. Nhằm giúp cho học sinh tăng cường sự cảm nhận về nguồn cội; giá trị văn hóa của di tích lịch sử hiện hữu trên mảnh đất quê hương nơi chính các em được sinh ra, học tập và lớn lên. Vì vậy, thời gian qua, tại Khu di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ, các Trường THPT trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều các hoạt động giáo dục như: Dạy học tại thực địa; chăm sóc di sản; hướng dẫn tham quan tìm hiểu di tích cho học sinh của nhà trường.

Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi các hoạt động giáo dục di sản theo chương trình giáo dục - đào tạo của ngành giáo dục. Qua hoạt động giáo dục tại Đền Mẫu Âu Cơ sẽ giúp các em học sinh hoàn thiện các kiến thức đã học trên lớp, bổ sung và nâng cao kiến thức để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giúp cho học sinh hiểu biết thêm về di sản, biết bảo vệ, tuyên truyền cho cộng đồng có thái độ ứng xử đúng đắn với di sản văn hóa. Tăng cường sự phối hợp giữa giáo dục trong nhà trường với cộng đồng xã hội, qua đó giúp tập thể giáo viên và học sinh nhà trường có phương pháp, hình thức dạy và học theo tinh thần đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay.

Trường THCS Hiền Lương, huyện Hạ Hòa tổ chức tham gia các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm 2023

Trường THCS Hiền Lương, huyện Hạ Hòa tổ chức tham gia các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm 2023

Đặc biệt, hiện nay, hầu hết các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên ở các trường đã nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của sử dụng di sản trong dạy học đối với việc hình thành các kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần phát triển năng lực của học sinh. Nhiều thầy cô giáo cho biết, công việc sưu tầm tư liệu, hình ảnh và xử lý thông tin, viết báo cáo và trình bày kết quả đã tác động tích cực, giúp đỡ họ rất nhiều trong việc triển khai áp dụng sử dụng di sản trong dạy học vào các bài học cụ thể trong các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc hay bộ môn giáo dục địa phương...

Cô giáo Lê Thị Thu - giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Thu Cúc, xã Thu Cúc chia sẻ: Những năm qua, nhà trường đã chú trọng việc giáo dục di sản trong dạy và học cho học sinh. Thông qua bộ môn Giáo dục địa phương, giúp các em nắm bắt thông tin qua kết nối internet và tìm hiểu các lễ hội truyền thống của địa phương cũng như các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Giờ học môn Giáo dục địa phương của cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Thu Cúc, xã Thu Cúc

Giờ học môn Giáo dục địa phương của cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Thu Cúc, xã Thu Cúc

Trong từng năm học, các nhà trường cũng đã xây dựng Kế hoạch giáo dục địa phương thông qua các môn học như: Đạo đức, Mỹ thuật, Tự nhiên xã hội, Âm nhạc... qua đó, để các em nắm bắt và tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên, các di sản, di tích, lễ hội truyền thống của địa phương đồng thời kết hợp với đi trải nghiệm, đây là những phương pháp giúp chương trình giáo dục di sản không bị nhàm chán mà ngược lại trở nên thú vị với học sinh, giúp các em lĩnh hội kiến thức, hình thành các kỹ năng và xây dựng năng lực tư duy.

Tổ chức các hoạt động giáo dục tại di tích nhằm tạo điều kiện cho học sinh tính tự chủ và tích cực. Học sinh là chủ thể trong các bước hoạt động: Không chỉ thụ động nghe giảng, nghe thuyết minh giới thiệu một chiều, mà chủ động, tự giác tìm hiểu trước, trao đổi, tự khám phá thực tế di tích, tự rút ra kết luận, bài học để bổ sung kiến thức. Học sinh tham gia giáo dục di sản không chỉ được xem, nghe, nhìn một cách đơn thuần mà được trải nghiệm qua việc tự khám phá, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin. Biết cách hỏi, chia sẻ, chắt lọc thông tin để bổ sung kiến thức cho bản thân. Từ đó gây sự thích thú, ham học hỏi, khám phá cho học sinh.

Thời gian tới, các cấp quản lý giáo dục và các nhà trường trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Đồng thời, tăng cường biên soạn và bổ sung các tài liệu, các băng đĩa, các tiết dạy minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo trong giảng dạy học tập. Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường phổ thông là một trong những giải pháp để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/day-manh-giao-duc-di-san-trong-day-va-hoc-o-cac-truong-pho-thong/205692.htm