Đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Trong những năm qua, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở thành động lực then chốt để phát triển bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh Ninh Bình. Các hoạt động ứng dụng KH&CN đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu.

Dự án hỗ trợ máy uốn ống DW50 CCN của Công ty TNHH MTV Quang Ninh Ninh Bình.

Dự án hỗ trợ máy uốn ống DW50 CCN của Công ty TNHH MTV Quang Ninh Ninh Bình.

Ông Đặng Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và phát triển cụm Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Xác định tầm quan trọng của đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2021, Sở Công thương lần đầu tiên triển khai các hoạt động hỗ trợ các đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2025 cho 2 doanh nghiệp công nghiệp hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang và Công ty TNHH MTV Quang Ninh Ninh Bình.

Theo đó, Sở Công thương đã hỗ trợ, hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị nhằm nâng cao độ chính xác, ổn định chất lượng sợi bông đầu vào trong quá trình sản xuất bao gồm: 1 máy thí nghiệm bông Uster Afis Pro 2 với tổng kinh phí thực hiện là 4.387 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 1.860 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang cho biết: Đây là loại máy tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới về thí nghiệm bông của hãng Uster, Thụy Sĩ. Với việc đầu tư máy thí nghiệm bông Uster Afis Pro 2, chất lượng sản phẩm sợi bông của Công ty sẽ có chất lượng tốt hơn, ổn định, phù hợp với thị trường hướng tới thay thế dần nguyên phụ liệu nhập ngoại, chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sang các nước có yêu cầu khắt khe như Hàn Quốc, Pháp, Anh, Ý, Nhật...đồng thời giúp nâng cao năng suất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gần 500 lao động.

Đối với Công ty TNHH MTV Quang Ninh Ninh Bình, Sở Công thương hỗ trợ, hướng dẫn trong việc mua máy uốn ống DW50 CCN 3A-1S ...với tổng kinh phí thực hiện là 1.994 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 916,9 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Phi, Công ty TNHH MTV Quang Ninh đánh giá: So với trước đây, máy uốn ống ống DW50 CCN 3A-1S có nhiều chức năng như nắn, uốn, bẻ, cắt...các chi tiết phức tạp với độ chính xác cao sẽ giúp nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu về khung định hình cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh với số lượng lớn hơn, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã cao hơn, tăng sức cạnh tranh cho công ty.

Đây cũng là doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ đầu tiên tại Ninh Bình đầu tư hoàn thiện đổi mới ứng dụng máy uốn ống CNC và là mô hình ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thu hút giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 100 lao động với mức lương trung bình trên 7 triệu đồng/người/tháng, đóng góp tích cực cho ngân sách tại địa phương, hàng năm nộp từ 5-10% tiền thuế/tổng doanh thu, giúp tăng 15% tổng doanh thu hàng năm.

Bên cạnh việc thực hiện các đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của ngành Công thương đối với các doanh nghiệp công nghiệp, năm 2021, các cấp, ngành trong tỉnh đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng đổi mới công nghệ vào phát triển sản xuất.

Trong đó có 8 doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất để xây dựng các mô hình, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, thủy sản, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra các giống cây trồng, con nuôi mới có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao; 4 doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để cải tiến dây truyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 20 nhãn hiệu thông thường cho các sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã nộp 145 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 79 đơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã khẳng định được thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình.

Có thể khẳng định rằng, việc ưu tiên hỗ trợ kinh phí ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã mang lại những tác động rất đáng kể. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong tỉnh được nâng lên góp phần không nhỏ vào việc gia tăng giá trị sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh sẽ giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cùng với các xu hướng và yêu cầu phát triển công nghệ gắn với xây dựng nền sản xuất công nghiệp thông minh, trong thời gian tới các cấp, ngành trong tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phổ biến, hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh trên trường quốc tế.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/day-manh-ho-tro-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-cho-doanh-nghiep/d2022010616095394.htm