Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm

Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 7 tháng năm 2024 đã có nhiều bước tiến thuận lợi. Tuy nhiên, bức tranh này cũng khó đoán định, có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước các diễn biến nhanh, khó lường của tình hình thế giới. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, xung quanh vấn đề này.

PV: Tăng trưởng tiêu dùng cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2024. Dù mức tiêu dùng trong nước đã phục hồi, nhưng vẫn thấp. Xin ông cho biết, ở những tháng cuối năm mức tăng trưởng tiêu dùng sẽ ra sao?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Nền kinh tế Việt Nam qua 2 quý cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã dần phục hồi. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kinh tế tăng trưởng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu, đã tác động tích cực đến thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng năm 2024. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư FDI tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong 7 tháng năm 2024. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong 7 tháng năm 2024. Ảnh minh họa: Nguyễn Lạc

Tuy nhiên, mức tín dụng tiêu dùng nội địa tuy có tăng trưởng nhưng vẫn yếu so với thời kỳ trước đây, do ảnh hưởng nhiều yếu tố như Covid và bất ổn địa chính trị toàn cầu.

Việc tăng lương từ 1/7/2024 sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức cầu, hỗ trợ sức cầu nội địa tăng trong thời gian tới. Người dân bắt đầu chi tiêu trở lại nhưng họ vẫn còn tiết kiệm nhiều. Do đó, từ nay đến cuối năm, mức tăng trưởng tiêu dùng có phục hồi nhưng không quá mạnh mẽ.

PV: Thực tế, mức tăng trưởng tiêu dùng yếu có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng hay không, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Thực tế trong giai đoạn thời kỳ trước và bây giờ, tăng trưởng tín dụng được đóng góp nhiều bởi tín dụng bất động sản. Do đó, tín dụng có xu hướng đi xuống chủ yếu do lĩnh vực bất động sản “đóng băng” trong thời gian qua nên không hút dòng tiền.

Hiện, Chính phủ đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế. Điều này giúp duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức tương đối cao để đảm bảo dòng vốn cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Thông tin tốt rằng, khả năng FED sẽ hạ lãi suất trong thời gian tới, như vậy Việt Nam có nhiều dư địa trong việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong những tháng cuối năm.

Hiện nay, Việt Nam đang đi ngược với xu hướng của thế giới. Bởi, thế giới tăng lãi suất nhưng Việt Nam lại hạ lãi suất. Chính xu hướng này gây áp lực đến việc rút vốn của khối ngoại khá nhiều. Minh chứng cho điều này là thời gian qua, khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán rất lớn. Cũng như áp lực tỷ giá tương đối lớn trong năm nay, do đó FED hạ lãi suất thì đà bán ròng của khối ngoại cũng sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy những bất ổn địa chính trị toàn cần hiện nay vẫn đang rất căng thẳng và tăng dần lên. Chẳng hạn như xung đột Ukraina – Nga, những bất ổn ở khu vực Trung Đông: Iran và Israel,… Trước những bất ổn khó lường này sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế của toàn cầu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.

Trên thực tế, xuất khẩu đang là "đầu tàu" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đang trên đà phục hồi tốt, nhưng nếu bị ảnh hưởng bởi những yếu tố địa chính trị này, cộng thêm việc người dân thế giới tiếp tục thắt chặt chi tiêu thì sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn.

PV: Trước tình hình này, hoạt động xuất khẩu cần có bước thay đổi ra sao để thích ứng và tăng trưởng trước những bất ổn khó lường này, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Bức tranh xuất khẩu là bức tranh khó dự báo, tuy nhiên tôi cho rằng, hoạt động xuất khẩu vẫn phục hồi nhưng sẽ chậm chứ không tăng trưởng ngoạn mục như giai đoạn trước.

Có 2 yếu tố đáng chú ý:

Thứ nhất, tình hình tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi trở lại sau giai đoạn lạm phát cao trước đó.

Thứ hai, chính sách tiền tệ của Mỹ nếu như nới lỏng, giảm lãi suất trở lại thì cầu tiêu dùng của toàn cầu sẽ "dễ thở" hơn, Mỹ là thị trường xuất khẩu, xuất siêu lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại rằng Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Cho nên, Việt Nam sẽ gặp rủi ro về mặt chính sách đối với thị trường Mỹ và rất dễ cuốn vào các vụ kiện chống bán phá giá như trước đây.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân

Tôi cho rằng, để tháo gỡ vấn đề này còn phụ thuộc vào việc ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng ta cần phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa 2 bên, làm sao để Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, sớm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thu hút dòng vốn từ Mỹ đổ vào Việt Nam nhiều hơn.

Hiện nay, đầu tư trực tiếp FDI của Mỹ tại Việt Nam còn thấp so với tiềm năng quan hệ giữa 2 bên.

Chúng ta thấy, Bangladesh là một quốc gia xuất khẩu dệt may lớn đang vượt mặt Việt Nam, nhưng thời gian qua, tình hình nội địa của họ cũng gặp nhiều bất ổn. Vậy nên, đây là cơ hội để ngành dệt may giày da Việt Nam có thể lấy lại những đơn hàng.

Song, việc có lấy được đơn hàng hay không còn phụ thuộc vào ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định bắt buộc trong hoạt động xuất khẩu. Bởi đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều chuyển đổi chậm hơn so với Bangladesh, chẳng hạn như phải dán nhãn CO2, tiêu chuẩn xanh,…

Trước tình hình này, buộc Chính phủ phải có những chiến lược để giúp các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến xuất khẩu xanh, chủ yếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sớm chuyển đổi kép, tức là vừa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là 2 yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất lao động.

Cùng với đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cần hỗ trợ, có những chiến lược cho vay lãi suất ưu đãi, vì xuất khẩu được xem là “1 mũi tên trúng 2 con nhạn”, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế, vừa mang lại ngoại tệ cho quốc gia.

Trong giai đoạn này, tỷ giá tương đối lớn, nếu đẩy mạnh xuất khẩu và tỷ giá ổn định trở lại như những tháng vừa qua thì sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Vì thế, mục tiêu về chiến lược xuất khẩu cần ưu tiên hàng đầu.

PV: Vậy theo ông, ở tháng cuối năm, chúng ta có nên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã đề ra?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi nghĩ, chúng ta cũng không nên quan tâm quá về con số tăng trưởng tín dụng. Nhìn lại những năm trước, tăng trưởng tín dụng cao là do dòng vốn chủ yếu chảy vào thị trường bất động sản, đây là nơi hút vốn và nhu cầu vốn rất cao.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cao nhưng lại không tạo ra tăng trưởng kinh tế tốt, bởi vì phải dùng nhiều đồng tăng trưởng tín dụng để tạo ra một đồng tăng trưởng kinh tế.

Năm nay mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao. Do dòng vốn chảy chủ yếu vào kênh sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, kênh này không cần quá nhiều vốn như bất động sản nhưng vẫn tạo ra được tăng trưởng kinh tế cao.

Do đó, chúng ta không nên chạy theo con số tăng trưởng tín dụng mà nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng tín dụng.

Theo tôi đánh giá, năm nay chất lượng tăng trưởng tín dụng tốt, mặc dù tăng trưởng bất động sản vẫn tăng trong năm nay nhưng dòng vốn chảy chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, điều này giúp cho tăng trưởng kinh tế bền vững./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/day-manh-hoat-dong-xuat-khau-thuc-day-tang-truong-kinh-te-cuoi-nam-158050.html