Đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công
Sáng 23-7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị.
Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đặc biệt là hơn 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh.
Mở đầu chương trình, hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nêu cao đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”
Báo cáo kết quả công tác người có công, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã tặng quà gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, ngày 1-7-2024, quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.
Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bảo đảm, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, đồng thời đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí hơn 7.000 tỷ đồng.
Các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; trao hơn 110.000 sổ tiết kiệm tặng gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. 2.412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ (ADN) chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Việc xây dựng ngân hàng gen này không chỉ thắp lên hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng, tương lai không xa, tất cả liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Tại chương trình, 10 gia đình liệt sĩ được trao kết quả giám định gen. Trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định danh tính, đưa liệt sĩ về quê hương.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, hội nghị tri ân người có công với cách mạng diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, cố gắng hết sức trong điều kiện có thể, nhưng chúng ta vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những số phận thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam... Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ngày càng khó khăn; còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; khoảng 600 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính…
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn", "Ăn quả, nhớ người trồng cây", tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần "không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta".
Thủ tướng đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Cùng với đó, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", như: Xây dựng "Nhà tình nghĩa", Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình người có công với cách mạng.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ, về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc, thiết thực, hiệu quả và chân tình trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm "dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ làm, dễ noi gương", "rõ người, rõ việc, rõ thời gian và thực sự tiêu biểu", tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ./.