Đẩy mạnh hơn nữa liên kết du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Du lịch Thanh Hóa trong những năm gần đây liên tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Song thẳng thắn nhìn nhận du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Mặc dù lượt khách du lịch đến Thanh Hóa tương đối lớn nhưng chủ yếu là khách du lịch nội địa, tập trung chủ yếu vào mùa hè. Đặc biệt, việc kết nối tour, tuyến và khai thác các điểm đến mới chưa thật sự phong phú, hấp dẫn… là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội nghị.
Chiều 3-8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến hoàn thiện chương trình và dịch vụ tour du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các sở, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hướng đến làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đón được 8,42 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2022; tổng thu du lịch đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song du lịch Thanh Hóa phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Với tinh thần cầu thị, tỉnh Thanh Hóa mong muốn các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có những ý kiến đánh giá thẳng thắn, khách quan về tiềm năng, lợi thế của du lịch Thanh Hóa; thực trạng cơ sở hạ tầng du lịch, chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch tại các điểm đến của Thanh Hóa. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động du lịch; gợi mở cho tỉnh định hướng và giải pháp để phát triển tour, tuyến du lịch phù hợp với thị trường khách đến từ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL".
Đồng thời khẳng định, việc thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL là cơ hội để du lịch Thanh Hóa tiếp tục làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến mở rộng thị trường khách du lịch.
Thúc đẩy liên kết du lịch Thanh Hóa - các tỉnh, thành phố ĐBSCL đi vào chiều sâu
Thảo luận tại hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đánh giá cao tiềm năng, lợi thế du lịch Thanh Hóa. Đặc biệt là cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, sự thân thiện mến khách của lao động du lịch và người dân địa phương. Đây là những cơ sở quan trọng để du lịch Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa. Đặc biệt, trong những năm tới, khi các tổ hợp dự án du lịch lớn đi vào vận hành, khai thác, cùng với sự phong phú và hấp dẫn về tài nguyên du lịch hứa hẹn sẽ mang đến sự bứt phá và cơ bản khắc phục được tính mùa vụ - vốn là điểm yếu của du lịch Thanh Hóa.
“Du lịch tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây có bước phát triển khá mạnh mẽ, vươn lên trở thành điểm sáng của khu vực phía Bắc. Với điều kiện hết sức thuận lợi về hệ thống giao thông, cùng sự khác biệt rõ nét về sản phẩm du lịch đặc thù là cơ sở quan trọng để Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch đi vào chiều sâu.
Mặt khác, so với thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc, khu vực ĐBSCL là thị trường hoàn toàn mới, có sự khác biệt lớn về văn hóa, sinh hoạt cũng như nhu cầu về du lịch. Đây vừa là lợi thế cũng vừa là khó khăn, thách thức đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa trong việc cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Về phía các tỉnh, thành phố ĐBSCL đánh giá cao sự đa dạng sản phẩm du lịch tỉnh Thanh Hóa, đồng thời sẵn sàng kết nối với Thanh Hóa trong công tác quảng bá, xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch mang tính kết nối vùng” - ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chia sẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre thì cho rằng: “Thông qua chương trình khảo sát, du lịch Thanh Hóa mang đến cho các tỉnh ĐBSCL một cái nhìn hoàn toàn mới về sản phẩm du lịch. Thanh Hóa không chỉ có những bãi biển đẹp mà còn có những điểm du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng hấp dẫn.
Tuy nhiên, thị trường khách du lịch Thanh Hóa chưa thực sự được mở rộng. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, địa phương trong nước để tạo ra những tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn”.
Hướng tới thúc đẩy liên kết giữa Thanh Hóa và ĐBSCL đi vào chiều sâu, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc như: Cần sớm khôi phục lại đường bay Cần Thơ - Thanh Hóa và duy trì đường bay để thuận tiện trong công tác khai thác thị trường khách du lịch từ các tỉnh, thành phố ĐBSCL và ngược lại; tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL; tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tìm hiểu dịch vụ, điểm đến nhằm xây dựng tour, tuyến đưa khách đến Thanh Hóa…
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cảm ơn những ý kiến góp ý chân thành, sâu sắc, những chia sẻ, gợi mở quý báu cho sự hoàn thiện và phát triển của ngành du lịch Thanh Hóa.
Đồng thời nhấn mạnh: Cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án du lịch lớn, tỉnh Thanh Hóa hết sức coi trọng hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước để từng bước hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường khách du lịch. Đối với tỉnh Thanh Hóa, thị trường các tỉnh, thành phố ĐBSCL là một trong các thị trường khách trọng tâm mà du lịch Thanh Hóa đang hướng đến.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tham dự hội nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu nhằm hoàn thiện điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ; thiết lập và khai thác thị trường khách du lịch hai chiều giữa Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Đồng chí giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các hãng hàng không để sớm khôi phục lại đường bay Cần Thơ - Thanh Hóa; đồng thời duy trì đường bay để thuận tiện trong công tác khai thác thị trường khách du lịch từ các tỉnh, thành phố ĐBSCL và ngược lại.
Đề nghị Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa vận động các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch của các tỉnh, thành phố ĐBSCL trong việc tìm hiểu, nắm thông tin và cung cấp các đầu mối để thuận tiện trong việc xây dựng chương trình du lịch, chào bán các tour đưa khách du lịch về Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết sẵn sàng đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh, tìm kiếm đối tác và đưa khách du lịch đến Thanh Hóa.
Trước đó, đoàn famtrip các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã khảo sát, trải nghiệm tại một số khu, điểm du lịch của tỉnh gồm: Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước).
Ngày mai (4-8) đoàn tiếp tục tham quan, khảo sát các khu, điểm và dịch vụ du lịch trên địa bàn TP Thanh Hóa và kết thúc chuyến famtrip tại Thanh Hóa.