Đẩy mạnh hợp tác chống tội phạm mạng

Tội phạm mạng được dự đoán sẽ gây thiệt hại cho thế giới 9.500 tỉ USD trong năm 2024 và 10.500 tỉ USD năm 2025

Ủy ban chuyên trách Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 8-8 phê duyệt dự thảo Công ước LHQ về phòng chống tội phạm mạng (UNCAC) sau 3 năm đàm phán. Vào tháng tới, dự thảo công ước này dự kiến được Đại hội đồng LHQ thông qua.

Theo đài NHK, Đại hội đồng LHQ đặt mục tiêu trấn áp tội phạm trực tuyến, trong đó có gian lận, rửa tiền và khiêu dâm trẻ em. Cụ thể, dự thảo UNCAC nêu rõ sẽ xóa bỏ "thiên đường trú ẩn an toàn" cho những đối tượng liên quan tội phạm mạng và yêu cầu các quốc gia ký kết đẩy mạnh các biện pháp đối phó tội phạm trực tuyến.

Dự thảo cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó có hỗ trợ công nghệ cho các nước đang phát triển, nơi tội phạm mạng đang gia tăng.

Ông Warisawa Koichi, Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên trách LHQ và hiện là Cục trưởng Cục Hợp tác An ninh và An toàn quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết Nhật Bản đã tham gia vào các cuộc đàm phán để bảo vệ nhân quyền và đối phó tội phạm mạng. Ông Warisawa cho biết dự thảo UNCAC là bước tiến lớn của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại tội phạm mạng xuyên biên giới.

Trong 20 năm qua, các công nghệ mới và tác nhân đe dọa đã phát triển với tốc độ chưa từng có. Đồng thời, cộng đồng quốc tế và nhiều quốc gia cũng có không ít nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích tội phạm.

Nạn nhân của tội phạm mạng bao gồm cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ. Lừa đảo, gian lận, tống tiền và quấy rối qua mạng không ngừng gia tăng.

Công dân Anh Joseph James O’Connor (giữa) bị kết án 5 năm tù tại Mỹ hồi năm ngoái vì tội xâm phạm tài khoản mạng xã hội của các chính trị gia và người nổi tiếng. Trước đó, người này bị bắt ở Tây Ban Nha năm 2021 và dẫn độ sang Mỹ hồi tháng 4-2023 Ảnh: REUTERS

Công dân Anh Joseph James O’Connor (giữa) bị kết án 5 năm tù tại Mỹ hồi năm ngoái vì tội xâm phạm tài khoản mạng xã hội của các chính trị gia và người nổi tiếng. Trước đó, người này bị bắt ở Tây Ban Nha năm 2021 và dẫn độ sang Mỹ hồi tháng 4-2023 Ảnh: REUTERS

Do đó, theo giới chuyên gia, mục đích của UNCAC là giải quyết tội phạm mạng, cũng như cải thiện sự hợp tác và điều phối giữa các nước. Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương trước tác động trực tiếp và gián tiếp của tội phạm mạng, khiến việc xây dựng năng lực ứng phó trở thành một ưu tiên cấp bách.

Vì lẽ đó, vấn đề hỗ trợ kỹ thuật trong công ước nêu rõ nghĩa vụ và kỳ vọng của các quốc gia thành viên trong việc giải quyết sự chênh lệch về năng lực.

Theo báo cáo mới của Công ty Cybersecurity Ventures (Mỹ), tội phạm mạng được dự đoán sẽ gây thiệt hại cho thế giới 9.500 tỉ USD trong năm 2024. Đến năm 2025, con số này dự kiến tăng lên 10.500 tỉ USD, so với mức 3.000 tỉ USD năm 2015.

Các thiệt hại do tội phạm mạng gây ra gồm dữ liệu bị hư hỏng hoặc phá hủy, tiền bị đánh cắp, mất năng suất, trộm cắp tài sản trí tuệ, trộm cắp dữ liệu cá nhân và tài chính, gian lận, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, khôi phục dữ liệu và hệ thống bị tấn công, tổn hại danh tiếng, chi phí pháp lý, các khoản tiền phạt theo quy định…

Theo trang Euro News, các cá nhân bị mất 318 tỉ USD mỗi năm do tội phạm mạng. Trong khi đó, thiệt hại trung bình của một vụ rò rỉ dữ liệu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dao động từ 120.000 USD đến 1,24 triệu USD.

Trang tin này cũng lưu ý tội phạm mạng đang phát triển nhanh chóng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI). Các cuộc tấn công cá nhân hóa liên quan đến việc tội phạm sử dụng video và âm thanh công khai trên mạng để bắt chước khuôn mặt và giọng nói của một người.

Các sản phẩm giả này sau đó được sử dụng để thực hiện các cuộc gọi video trực tuyến và yêu cầu cung cấp tiền từ gia đình hoặc đối tác kinh doanh của nạn nhân.

Việt Nam ủng hộ

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nêu rõ: "Việt Nam hoan nghênh việc Ủy ban chuyên trách thông qua dự thảo Công ước. Sự kiện này là bước đi quan trọng đầu tiên để Đại hội đồng LHQ xem xét, thông qua Công ước. Khi bắt đầu có hiệu lực, Công ước sẽ đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên giúp các nước hợp tác ứng phó đe dọa từ tội phạm mạng".

Theo TTXVN, Việt Nam là một trong các nước sớm ủng hộ việc thành lập Ủy ban chuyên trách cũng như tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Công ước từ phiên họp đầu tiên. Xuyên suốt 8 phiên họp của Ủy ban chuyên trách, đoàn đàm phán liên ngành Việt Nam, do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, làm trưởng đoàn, đã có những đóng góp thực chất, tích cực, được đoàn chủ tịch, các bạn bè và đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

H.Phương

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/day-manh-hop-tac-chong-toi-pham-mang-196240809203014659.htm