Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao, nâng cao y tế tỉnh nhà
Là địa bàn miền núi, ngành Y tế tỉnh ta gặp không ít khó khăn và còn nhiều hạn chế. Đã có nhiều giải pháp được thực hiện để từng bước nâng cao năng lực khám chữa bệnh các tuyến, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Trong đó tăng cường hợp tác, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện Trung ương là một trong những nhiệm vụ được ngành Y tế tỉnh nhà quan tâm, mở rộng và triển khai toàn diện.
Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt là bệnh viện vệ tinh của nhiều bệnh viện lớn tuyến Trung ương, như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, qua việc đào tạo, chuyển giao, ngành Y tế tỉnh có nhiều kỹ thuật mới tiếp tục được ứng dụng triển khai, như: Lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc; bơm Ethanol trực tiếp dưới hướng dẫn siêu âm; tiêm xơ khối u dưới hướng dẫn của siêu âm; phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối...
Là cơ sở y tế hàng đầu Điện Biên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện duy trì tham gia khám chữa bệnh từ xa với nhiều bệnh viện tuyến trên. Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện đã tham gia 37 buổi đào tạo trực tuyến từ xa của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Tim Hà Nội, K Trung ương, Ung bướu Hà Nội và Phụ sản Trung ương với 139 cán bộ tham dự. Bệnh viện cũng thực hiện 2 ca bệnh xin ý kiến hội chẩn các chuyên gia, 1 trường hợp sốc tim - viêm cơ tim cấp (với Bệnh viện Tim Hà Nội) và 1 trường hợp suy thận cấp/ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn IV (với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội).
Thực tế đã khẳng định việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc Đề án Bệnh viện vệ tinh với các bệnh viện tuyến Trung ương đã giúp nâng cao năng lực về chuyên môn kỹ thuật thuộc các lĩnh vực được chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua đó giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tỉnh, góp phần giảm thiểu số người bệnh phải chuyển tuyến Trung ương điều trị vì lý do kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh.
Tiếp tục quan tâm và mở rộng công tác này nhằm nâng cao chất lượng y tế tỉnh nhà, mới đây cuối tháng 7, UBND tỉnh đã ký kết với Bệnh viện Bạch Mai biên bản hợp tác toàn diện về y tế giai đoạn 2024 - 2030. Tập trung vào 7 nội dung chính, bao gồm: Đào tạo và chuyển giao kỹ thuật; luân phiên cán bộ; ứng dụng y học từ xa; hỗ trợ, tư vấn dịch vụ y tế kỹ thuật cao; hợp tác nghiên cứu khoa học; hợp tác về công tác xã hội; giao lưu trao đổi đoàn. Tham gia chương trình, trực tiếp Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cùng lãnh đạo các khoa, phòng Bệnh viện đã có mặt tại Điện Biên, khảo sát thực trạng để đưa ra những tư vấn phát triển chuyên khoa, chuyên ngành cho Y tế Điện Biên.
Tại đây, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đặc biệt quan tâm: “Điện Biên xa xôi, đường xá đi lại còn khó khăn nên càng cần được hỗ trợ đào tạo nhân lực, chuyển giao các kỹ thuật y tế đáp ứng khám chữa bệnh tại chỗ. Chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ cho Điện Biên về chuyên môn, tạo mọi điều kiện cho cán bộ y tế của tỉnh học tập tại bệnh viện, học tập tại chỗ qua các loại hình đào tạo khác nhau, tư vấn phát triển chuyên môn, phát triển ngành… Ban lãnh đạo Bệnh viện xác định đây là nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội quan trọng”. Đồng thời ông cũng gợi ý, Bệnh viện Bạch Mai có những chuyên khoa thế mạnh mà Điện Biên có thể nghiên cứu, phối hợp xây dựng lộ trình chuyển giao, đào tạo, bồi dưỡng con người. Chỉ đạo Viện Đào tạo của Bệnh viện Bạch Mai ưu tiên dành nguồn lực y tế và gói chuyển giao kỹ thuật cho Điện Biên, sao cho học phí, chi phí ở mức độ tối thiểu hoặc miễn phí, thuận lợi nhất cho y tế miền núi. Bệnh viện cũng sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ lên hỗ trợ Điện Biên theo từng chuyên khoa, chuyên ngành...
Đó cũng là điều mà ngành Y tế Điện Biên kì vọng, mong mỏi. Theo đó, định hướng giai đoạn 2025 - 2030, ngành xác định căn cứ thực trạng về cơ sở vật chất, nhân lực, kế hoạch phát triển chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh. Từ đó tổng hợp, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng năm, giai đoạn để phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương, cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt là các lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, chống độc; tim mạch và tim mạch can thiệp; tiết niệu; thần kinh; cơ xương khớp; nội tiết; dị ứng miễn dịch lâm sàng; chẩn đoán hình ảnh; xét nghiệm vi sinh, hóa sinh, huyết học - truyền máu... Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: “Tiếp tục duy trì, phát triển các kỹ thuật đã được chuyển giao theo đề án bệnh viện vệ tinh và bố trí nhân lực tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ các bệnh viện tuyến Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai. Duy trì và phát triển công tác hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, Đề án 1816 để hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh...”